(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đã tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đạt nhiều kết quả nổi bật. UBND thành phố Sầm Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; các xã, phường thành lập 11/11 ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã với tổng số thành viên là 198 người; thành lập 86 tổ công nghệ số cộng đồng/86 thôn, khu phố với tổng số thành viên là 313 người.
Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, việc đăng ký sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030... Đài truyền thanh thành phố đã phát sóng 166 tin bài, Đài truyền thanh các xã, phường phát 1.550 tin bài; trang thông tin điện tử thành phố đăng tải 68 tin bài, trang thông tin điện tử các xã, phường đăng tải trên 155 tin bài. Tổ chức 02 hội nghị về Đề án chuyển đổi số thành phố Sầm Sơn gia đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức 03 đợt tập huấn cho các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các xã, phường và 86 Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số tại các địa phương.
Các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử được quan tâm chỉ đạo thực hiện. 100% các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc đã ứng dụng Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD Office) trong việc tiếp nhận, xử lý, tạo lập, ký số, phát hành văn bản trên môi trường điện tử; 100% cán bộ, công chức thực hiện việc tham mưu, xử lý văn bản trên hệ thống, góp phần giảm tối đa việc sử dụng giấy tờ trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tổng số văn bản đi trên phần mềm TD Office từ năm 2022 đến nay là 31.388 văn bản, trong đó: Cấp thành phố 20.598 văn bản đi, tỷ lệ văn bản ký số đạt 100%; cấp xã 10.790 văn bản đi, ký số đạt tỷ lệ trên 99%. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã tiếp nhận trực tuyến 569 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến một phần, 4.777 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kết quả giải quyết vượt chỉ tiêu tỉnh giao; các xã, phường tiếp nhận trực tuyến 14.918 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến một phần, 3.004 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kết quả giải quyết vượt chỉ tiêu giao. Cổng Thông tin điện tử của thành phố và 11 Trang thông tin điện tử của UBND các xã, phường hoạt động ổn định, đăng tải công khai các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy hiệu quả các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu của các ngành trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như: Phần mềm Hộ tịch điện tử, phần mềm Quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo; Phần mềm Quản lý thông tin báo chí; Hệ thống tài chính - kế hoạch Tabmis, Hệ thống phản hồi của tỉnh... Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến, phòng họp không giấy tờ tại cơ quan HĐND và cơ quan UBND thành phố, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức các hội nghị, cuộc họp của cấp ủy, chính quyền.
Kinh tế số tiếp tục phát triển đúng hướng. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa trên môi trường mạng. Phối hợp với Trung tâm Viễn thông Sầm Sơn, Trung tâm Vietel Sầm Sơn, Bưu điện Sầm Sơn tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố tham gia quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điên tử. Đến nay, 100% các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-Code; 100% chủ thể OCOP xây dựng kênh thông tin hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu của chủ thể thông qua website của đơn vị. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử; cài đặt ví điện tử VNPT Pay và liên kết tài khoản ngân hàng cho cán bộ, công chức, nhân dân, góp phần đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn...
Tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển xã hội số; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thay đổi thói quen trong sử dụng phương thức thanh toán điện tử. Phối hợp với Trung tâm Viễn thông Sầm Sơn triển khai sử dụng biên lai điện tử, thanh toán điện tử trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai bổ sung các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect... để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội; thực hiện tuyển sinh các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) bằng hình thức trực tuyến đối với 100% các trường học công lập, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 88,6%; triển khai thực hiện sử dụng điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử đối với 100% trường công lập. Từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; thanh toán viện phí điện tử; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số. Triển khai hiệu quả mô hình điểm của thành phố về “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Sầm Sơn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn chậm, thiếu đồng bộ. Đội ngũ chuyên trách về CNTT còn thiếu, trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố, cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, khu phố hầu hết chưa được đào tạo chính quy về CNTT nên việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Tổ công nghệ số cộng đồng cơ bản là người có tuổi, hoạt động kiêm nhiệm nên trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ sở chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế; kỹ năng ứng dụng công nghệ số của người dân chưa cao và tập trung chủ yếu ở giới trẻ...