(Thanhhoa.dcs.vn): Để triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng; Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Văn bản số 4396/SNN&PTNT-KL ngày 29/8/2023, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Chủ rừng nhà nước, Chi cục Kiểm lâm triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Rà soát, đánh giá hiện trạng công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó, xác định cơ cấu, diện tích và chủ thể quản lý 3 loại rừng một cách hợp lý, đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được giao theo Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện được duyệt, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, giá trị đa dụng và chức năng của từng loại rừng. Kiên quyết không thực hiện chuyển loại rừng, đưa những diện tích đất rừng ở những nơi có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế; nơi có độ cao, độ dốc lớn, gần đường giao thông, gần khu tập trung dân cư và những diện tích rừng ở đầu nguồn các lưu vực sông, suối và vùng ven biển ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ để đảm bảo tiêu chí rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ngay khi thời tiết thuận lợi, đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, ưu tiên trồng rừng bằng các cây bản địa, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở các khu vực, vị trí xung yếu, có độ dốc trên 300; vùng bờ biển bị xói lở thuộc rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Trồng lại rừng ngay mùa vụ kế tiếp sau khi khai thác rừng sản xuất; hạn chế biện pháp phát, đốt toàn diện khi xử lý thực bì dẫn tới nguy cơ làm mất đi khả năng tự cân bằng dinh dưỡng, thoái hóa đất và suy giảm khả năng phòng hộ của rừng. Tổ chức rà soát đánh giá diện tích rừng trồng phòng hộ hiện có đảm bảo tiêu chí thành rừng theo tiêu chuẩn quốc gia.
Tổ chức kiểm tra, rà soát quy mô diện tích, vị trí, không gian và tỷ lệ được phép canh tác diện tích đang thực hiện nông - lâm - ngư kết hợp trên rừng phòng hộ, rừng sản xuất và nghiên cứu khoa học trên rừng đặc dụng, đảm bảo không làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng theo quy định của quy chế quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Rà soát xác định những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển trong khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, để có kế hoạch trồng rừng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường; các công trình đã xây dựng trên đất rừng đặc dụng, phòng hộ có nguy cơ sạt lở để có giải pháp xây kè chắn, hệ thống thoát nước; kiên quyết đình chỉ hoặc di dời các công trình ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, những công trình xây dựng trái phép.
Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có rừng tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13- CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư trung ương Đảng. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho Chủ tịch UBND cấp xã; nêu cao vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Các chủ rừng Nhà nước: Khẩn trương tổ chức triển khai công tác trồng, chăm sóc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo chương trình, dự án đã được phê duyệt; đảm bảo thực hiện đúng quy định về đối tượng, loài cây trồng, mật độ trồng, phương thức trồng theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về các biện pháp lâm sinh.
Nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, bảo vệ rừng. Nâng cao năng suất chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng bằng các biện pháp nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa, chịu bóng và cây lâm sản ngoài gỗ để nâng cao giá trị đa dụng của rừng. Tổ chức rà soát các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các phân khu chức năng, đảm bảo theo đúng quy hoạch và mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Triển khai xây dựng các công trình hạ tầng, các công trình bảo vệ rừng và công trình du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định trong Phương án quản lý rừng bền vững, hoặc Đề án du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy chế quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Tổ chức rà soát các công trình đã xây dựng trên đất rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc phạm vi quản lý, đối với các công trình có nguy cơ sạt lở cần thực hiện ngay các giải pháp xây kè chắn, hệ thống thoát nước; kiên quyết đình chỉ hoặc tháo dỡ, di dời các công trình ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, những công trình xây dựng trái phép.
Tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an xã, Dân quân tự về, Chính quyền cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra an ninh rừng; phát hiện sớm các hành vi xâm hại rừng để kịp thời có phương án xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh.
3. Chi cục Kiểm lâm: Tổ chức thẩm định, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt các chương trình, dự án trồng rừng, dự án lâm sinh có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về lâm nghiệp; thường xuyên phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền cơ sở, lực lượng chuyên trách BVR của chủ rừng kiểm tra công tác bảo vệ rừng, nhất là khu vực có rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ biên giới, khu vực giáp ranh giữa rừng tự nhiên với rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân, rừng đang do UBND xã quản lý, bảo vệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, kiên quyết không để phát sinh thành điểm nóng, tụ điểm để báo chí, dư luận phản ánh gây bức xúc trong nhân dân. Hỗ trợ các chủ rừng nhà nước đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm tra an ninh rừng, thiết lập hồ sơ ban đầu đối với các vụ xâm hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ rừng ngay từ cơ sở.