(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phát triển y tế biển, đảo; tạo sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội và các thành viên (ngư dân) hoạt động trên biển, thực hiện mục tiêu bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 31/8/2023 để triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Các mục tiêu chủ yếu, gồm: (1) Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo; (2) Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo; (3) Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo; (4) Đào tạo sau đại học về y học biển; đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho cán bộ y tế công tác tại khu vực biển, đảo; (5) Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo, nâng cao nhận thức y tế cộng đồng, ý thức vệ sinh môi trường để có thể tự bảo vệ sức khỏe, tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo; (6) Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.
Các chỉ tiêu cụ thể bao gồm: (1) Triển khai thực hiện bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; (2) Đào tạo, cập nhật kiến thức về Y học biển cho các cơ sở y tế huyện, thị xã, thành phố ven biển có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển; (3) Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố có đủ năng lực giám sát tình tình dịch, khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo; (4) Với các xã, phường ven biển đạt 100% có Trạm y tế xã, trong đó 90% xã đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia y tế cho vùng biển, đảo; 6/6 Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai một số kỹ thuật ngoại khoa tương đương Bệnh viện hạng 1; (5) Đầu tư mua sắm thuốc, vật tư y tế, cấp cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, để đạt được tỷ lệ 70% kế hoạch đến năm 2025 và đạt 100% kế hoạch đến năm 2030; (6) Tỉ lệ xã có bác sĩ đạt 90% trở lên; (7) Tỉ lệ xã đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đạt 90%; (8) Tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 95% trở lên dân số tham gia BHYT.
Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: (1) Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo; (2) Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; (3) Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh; (4) Tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; (5) Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo.
UBND tỉnh giao Sở Y tế: chủ trì xây dựng, lồng ghép nội dung thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 vào các kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện tại địa phương; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ của Sở Y tế được giao thực hiện. Xây dựng dự toán triển khai các nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch; tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hướng dẫn xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực. Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị y tế 06 huyện, thị xã, thành phố ven biển tập trung giám sát kịp thời, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, các Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã, thành phố để điều tra khảo sát nắm tình hình dân, ngư trên biển: Số phương tiện/lao động trên biển (kể cả số phương tiện được phép khai thác trong vùng đánh cá chung), các ngành nghề khai thác chủ yếu, khu vực hoạt động chủ yếu ở vùng đánh cá chung và vùng biển vịnh Bắc Bộ, cung cấp vật tư y tế thiết yếu, thuốc cấp cứu, đào tạo tập huấn khả năng cấp cứu trên biển, sử dụng thuốc thiết yếu, vật tư y tế cơ bản được trang bị trên tàu.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện; chủ trì, xây dựng kế hoạch để thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến huy động lực lượng, phương tiện bay, tàu biển để vận chuyển cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo; chỉ đạo lực lượng Quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng Dân y làm nòng cốt phát triển y tế biển, đảo.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động cho công tác y tế biển, đảo của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo lực lượng Quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng Dân y làm nòng cốt phát triển y tế biển, đảo; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, phối hợp chặt với các địa phương trong việc triển khai Chương trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan cân đối kinh phí để thực hiện Kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở của 6 huyện, thị xã ven biển tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chương trình “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030” của tỉnh đến với người dân, nhất là Nhân dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; khuyến khích các địa phương bố trí sớm nguồn lực để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch. Lồng ghép nội dung thực hiện Kế hoạch vào các kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện tại địa phương. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Kế hoạch, gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.