(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 07/9/2023, Ban chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh ban hành Văn bản số 4420/BCĐPT gửi các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ về phong trào.

Theo đó, đề nghị các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh: Thực hiện nghiêm Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn số 6417/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc kết quả thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2026, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phối hợp, lồng ghép với các phong trào, chương trình liên quan, phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Phong trào theo chức năng, nhiệm vụ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh; rà soát những khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác Phong trào.

Đề nghị Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục Quán triệt các nội dung được nêu tại Quyết định số 1909/QĐTTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Triển khai Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2023 gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đưa nhiệm vụ phát triển và đầu tư cho văn hóa vào Nghị quyết Đảng bộ, gắn phát triển văn hóa với tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Lựa chọn những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các lĩnh vực để truyền thông sâu rộng, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Tiếp tục có chính sách đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp gắn với nghiên cứu đưa các nội dung bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian vào các hoạt động nhà văn hóa để thu hút người dân tham gia; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh gắn với giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước của nhân dân để định hướng hoạt động văn hóa tín ngưỡng lành mạnh. Nâng cao chất lượng bình xét và công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa"; nhất là việc bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, không hình thức, chiếu lệ. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào tại địa phương, quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo các hoạt động của Phong trào đạt hiệu quả thiết thực; thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phong trào cơ sở, để nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, nhằm đưa phong trào ngày càng phát triển.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)