(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng lực lượng vận động viên theo Đề án “Phát triển thể dục Thể thao của tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện vận động viên (VĐV) các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh; tạo các điều kiện thuận lợi để huấn luyện viên, vận động viên được tập huấn, thi đấu và học tập kinh nghiệm thi đấu trong và ngoài nước, giành thành tích cao tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế hàng năm, phấn đấu giành thành tích cao nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần X năm 2026, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 10/01/2024 về việc xây dựng lực lượng vận động viên tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Kế hoạch xác định mục tiêu chung là: Phát triển toàn diện thể thao thành tích cao Thanh Hóa đến năm 2026; tập trung tổ chức tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi đấu cho lực lượng vận động viên các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh; tổ chức, tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế và thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, khẳng định vị thế của thể thao thành tích cao Thanh Hóa; tạo động lực quan trọng để phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng và phục vụ mục tiêu cao hơn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030.
Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch, gồm: (1) Tập trung đầu tư cho các VĐV trọng điểm, xuất sắc ở từng môn thể thao, trong đó ưu tiên phát triển các môn thể thao có truyền thống, thế mạnh, các môn có nhiều huy chương và các môn thể thao trong chương trình Đại hội Olympic, Châu Á, Đông Nam Á; (2) Phấn đấu có nhiều vận động viên xuất sắc tham gia, đoạt giải tại các giải đấu quốc tế, khu vực; phấn đấu giành khoảng 65 huy chương vàng và giữ vững vị trí thứ IV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026; (3) Tập trung đầu tư 20 môn thể thao trọng điểm (trên tổng số 35 môn thể thao tham gia Đại hội) có khả năng đóng góp nhiều HCV tại Đại hội, như: Điền kinh, Bắn súng, Bắn cung, Bơi, Lặn, Vovinam, Pencaksilat, Karate, Vật, Cử tạ, Muay, Jujitsu, Võ cổ truyền, Wushu, Xe đạp, Boxing, Đua thuyền, Judo, Taekwondo, Triathlon (3 môn phối hợp), Cầu mây; (4) Phấn đấu có 650 chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên của 35 môn thể thao được tham gia tập huấn, thi đấu tại Đại hội, trong đó, có 150 chuyên gia (trong, ngoài nước), huấn luyện viên và 500 vận động viên.
Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu thành tích, cụ thể:
(1) Đối với các môn thể thao trọng điểm loại I: Bắn súng - Bắn cung 04 HCV; Bơi 04 HCV; Lặn 04 HCV; Pencaksilat 04 HCV; Cử tạ 04 HCV; Vovinam 04 HCV; Muay 04 HCV; Điền kinh 03 HCV; Karate 03 HCV; Vật 03 HCV; Đua thuyền 03 HCV; Jujitsu 03 HCV; Võ cổ truyền 03 HCV; Judo 02 HCV; Taekwondo 02 HCV; Triathlon 02 HCV; Wushu 02 HCV; Xe đạp 02 HCV; Boxing 02 HCV; Cầu mây 01 HCV. Riêng đội tuyển Bóng chuyền nữ phấn đấu có thứ hạng cao tại giải vô địch quốc gia hàng năm và Đại hội.
(2) Đối với các môn thể thao loại II: Bóng bàn 01 HCV; Kick Boxing 01 HCV; Đấu kiếm 01 HCV; Kurash 01 HCV; Bi sắt 01 HCV; Quần vợt 01 HCV.
(3) Đối với các môn thể thao có khả năng đạt thành tích huy chương bạc, đồng: Cầu lông, Gofl, Đá cầu, Cờ, Bóng rổ, Billiard & Snooker, Võ gậy (arnis), các môn thể thao khác khi có cơ hội, điều kiện và Điều lệ Đại hội.
Kế hoạch xác định rõ việc xây dựng lực lượng huấn luyện viên, vận động viên như sau: Thực hiện đủ chỉ tiêu 800 VĐV trong năm 2024, 2025 và 1000 VĐV vào năm 2026; trong đó, lựa chọn khoảng 75 HLV và khoảng 400 VĐV để đầu tư trọng điểm nhằm nâng cao trình độ hàng năm. Bên cạnh đó, hằng năm, lựa chọn, cử khoảng 60 HLV, VĐV các môn thể thao đi tập huấn, thi đấu nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thi đấu tại một số nước Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu; lựa chọn, cử 350 HLV và VĐV đi tập huấn, thi đấu cọ xát tại các Trung tâm thể thao lớn trên toàn quốc.
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch dự kiến khoảng 68 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách nhà nước khoảng 60 tỷ đồng; nguồn xã hội hoá khoảng 08 tỷ đồng.