(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, trong suốt chiều dài lịch sử cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh có thời điểm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về hình sự, ma túy.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về chương trình công tác năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-BCĐ và Kế hoạch số 52/KH-BCĐ ngày 07/3/2023 chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; công tác phòng, chống mua bán người năm 2023. Các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng; kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban chỉ đạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Công tác tổ chức xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; do đó trong năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kiện toàn Ban chỉ 138, Ban chỉ đạo ANTT và các lực lượng nòng cốt ở cơ sở, chú trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp, điều động cán bộ đảm nhiệm các vị trí, lĩnh vực công tác, nhằm phát huy năng lực, sở trường công tác, nhất là công tác bố trí cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu tình hình mới tại địa bàn cấp xã. Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện đã được tổ chức kiện toàn; trong đó phân công đồng chí Chủ tịch hoặc đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Trưởng Công an cấp huyện làm Phó Trưởng Ban thường trực; thành viên là đại diện các ban ngành, đoàn thể. Ban chỉ đạo ở cấp xã đều được hợp nhất, kiện toàn thành phần tham gia, tạo được sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị đến từng khu phố, thôn, xóm.
Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, tiếp tục được các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh quan tâm, chú trọng, triển khai với nhiều hình thức phong phú, hoạt động thiết thực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn nhằm tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả, kéo giảm tối đa các loại tội phạm phức tạp, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, gây thiệt hại cho tính mạng, tài sản của Nhân dân (tội phạm gây thương tích, giết người, trộm cắp tài sản); tiến hành rà soát, phát hiện hàng nghìn mâu thuẫn trong Nhân dân (trong đó có nhiều mâu thuẫn trong các băng nhóm, nhóm thanh thiếu niên hư) để tập trung chỉ đạo giải quyết, góp phần kéo giảm tội phạm gây thương tích, giết người; nắm chắc tình hình tại các điểm, địa bàn phức tạp về ANTT, nơi diễn ra các sự kiện tập trung đông người trên địa bàn quản lý có khả năng xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, giết người. Kết quả, năm 2023, tội phạm cố ý gây thương tích giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác rà soát, khắc phục, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ phòng ngừa tội phạm (hệ thống camera, đèn chiếu sáng, hệ thống loa truyền thanh...), quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng có nguy cơ, biểu hiện nghi vấn... Từ đó, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm trộm cắp tài sản, do đó tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh được kéo giảm sâu so với thời gian cùng kỳ năm 2022 (giảm 43,1%, tỷ lệ điều tra khám phá trên 84%), đặc biệt, không xảy ra các vụ trộm cắp tài sản quy mô lớn do các đối tượng chuyên nghiệp gây ra, đa số các vụ nhỏ lẻ, tài sản thiệt hại không lớn; ý thức, trách nhiệm trong tự quản lý tài sản của người dân được nâng cao.
Tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch về cảm hóa, giáo dục, quản lý, phòng ngừa và xử lý thanh thiếu niên hư vi phạm pháp luật; trong đó phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm chủ trì của lực lượng Công an cấp xã và cấp huyện vừa tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, gia đình các biện pháp cảm hóa, giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn thanh thiếu niên hư vi phạm pháp luật; vừa tập trung đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật do đối tượng là thanh thiếu niên hư gây ra để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; kết quả lực lượng Công an toàn tỉnh đã rà soát, đưa vào quản lý 5.635 thanh thiếu niên hư có mặt tại địa phương; trong đó, đã được cảm hóa, giáo dục và tiến bộ, tự chấm dứt các biểu hiện hư 1.613 thanh thiếu niên, tạo việc làm ổn định 498 người, bắt giữ 302 đối tượng phạm tội... Hiện đang quản lý 2.923 thanh thiếu niên hư. Kết quả công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm gây thương tích, giết người, trộm cắp tài sản.
Tội phạm “tín dụng đen”, các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê được kiềm chế. Từ đầu năm 2023, Công an tỉnh đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, hụi, họ, biêu, phường trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát, dựng lên đối tượng cho vay, đối tượng đòi nợ thuê, từ đó hệ thống lại toàn bộ thông tin, dữ liệu, tổ chức đấu tranh quyết liệt với tội phạm “tín dụng đen”; tham mưu triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”; triển khai đợt tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2023, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phát hiện, khởi tố 183 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 242 bị can. Tổng số tiền giao dịch của các đối tượng cho vay lãi nặng trên 1.200 tỷ đồng, số tiền thu lời bất chính khoảng trên 110 tỷ đồng.
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thực hiện quyết liệt. Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh, triệt phá được các đường dây mua bán, vận chuyển và phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động của các đối tượng để có biện pháp đấu tranh. Điển hình: Ngày 02/4/2023, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị chức năng, tiến hành phá thành công chuyên án, bắt giữ 04 đối tượng trực tiếp điều hành đường dây. Thu giữ: 01 khẩu súng AK, 216 khẩu súng các loại; 79 viên đạn quân dụng (10 viên đạn AK, 30 viên đạn K54, 39 viên đạn các loại như carbine, K59, AR15); 40 kg đạn bi sắt; hơn 100 dao kiếm các loại, hơn 03 tạ khí nén CO2 và các vật dụng khác. Ngoài ra, đầu năm 2023, qua công tác điều tra cơ bản địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về VK, VLN, CCHT, Công an tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện nhóm các đối tượng cầm đầu tổ chức cho nhiều cơ sở sản xuất, chế tạo các loại vũ khí thô sơ để rao bán với số lượng lớn qua mạng xã hội. Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã đấu tranh với 15 đối tượng có hành vi sản xuất, chế tạo vũ khí thô sơ, xử lý hình sự 05 đối tượng, thu giữ 1.480 dao kiếm các loại. Trước sự đấu tranh quyết liệt của Công an tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng đã mang ném hàng chục bì, bên trong chứa gần 1.000 vũ khí thô sơ (đao, kiếm các loại) để tránh bị phát hiện, xử lý. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn được số lượng lớn vũ khí thô sơ vận chuyển đến các đối tượng trong và ngoài tỉnh.
Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức ra quân đồng loạt huy động hơn 3.000 CBCS tiến hành tổng kiểm tra tại 631 trường, THCS, THPT, Trung tâm GDTX, dạy nghề với tổng số 4.597 lớp, 166.997 học sinh; 773 hàng quán xung quanh trường học, trên 4.000 phương tiện của học sinh để chủ động phát hiện, xử lý những học sinh mang theo vũ khí, hung khí, vật cấm (dao, dao bấm, kiếm, côn, gậy, tuýp sắt…) hoặc những đồ dùng có thể sử dụng để đánh nhau, gây thương tích… làm mất an ninh, trật tự trong học đường và phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng học sinh tàng trữ, mua bán, sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thực phẩm, nước uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguy cơ chứa các chất cấm, ma túy, chất kích thích… Đồng thời, quá trình kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở học sinh sinh viên chấp hành tốt quy định của pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà trường; cảnh báo về những hậu quả, tác hại của hành vi bạo lực học đường, sử dụng thuốc là điện tử, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh… để nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ mình. Kết quả đã phát hiện, thu giữ: 152 dao, kéo các loại (dao gọt hoa quả, dao tự chế, dao găm, dao bấm, dao bầu, dao thái thịt, dao đi rừng…); 27 côn nhị khúc, gậy ba khúc, tuýp sắt, gậy gỗ; 24 đồ chơi nguy hiểm (súng bắn đạn nhựa, dao nhựa, bình xịt hơi cay, dùi cui điện tự chế…); 23 kìm, cờ lê, tua vít, búa; 91 máy hút và 16 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử; 10 gói thuốc lá; 02 học sinh tàng trữ cỏ mỹ và cần sa; 05 ná cao su bắn đạn bi, 36 viên bi sắt và nhiều đồ dùng khác không liên quan đến dụng cụ học tập; phát hiện 392 học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số huyện, thị xã điều khiển xe máy trên 50 phân khối đến trường, 79 cơ sở xung quanh trường vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH được thực hiện hiệu quả. Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định công nhận chuyển hóa thành công đối với địa bàn thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung. Hiện nay địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 7 địa bàn xã, phường, thị trấn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp chuyển hóa theo các tiêu chí của Bộ Công an. Lực lượng Công an cấp huyện đã chủ động lựa chọn báo cáo cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác chuyển hóa 88 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH tại 27 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Thanh Hóa lựa chọn 10 phường, các huyện, thị xã còn lại mỗi địa phương lựa chọn 03 địa bàn cấp xã). Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp gắn với kiểm tra, chỉ đạo công tác cấp Căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử tại 27 đơn vị Công an cấp huyện; phân công các phòng Công an tỉnh hỗ trợ, đỡ đầu đối với các địa bàn; cơ bản các đơn vị đỡ đầu đã phát huy trách nhiệm bám sát cùng Công an cấp huyện, cấp xã được giao phụ trách hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, một số phòng nghiệp vụ đã phát huy tốt vai trò hướng dẫn nghiệp vụ theo lĩnh vực phụ trách; đánh giá chung các đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về TTATXH. Lực lượng Công an cơ sở được quan tâm trang bị, cấp phát quân tư trang, công cụ hỗ trợ, vũ khí, phương tiện nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý. Tổ chức nhiều lớp học, tập huấn nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an cấp cơ sở.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều phương án, kế hoạch, giải pháp đột phá, trọng tâm là làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản kết hợp với phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật với phương châm “Lấy phòng ngừa làm trọng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với quyết tâm tấn công, đánh trúng, đánh đúng, đánh vào gốc các loại tội phạm” theo tinh thần “tích cực, khẩn trương, hiệu quả” nên tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tội phạm về TTXH giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế, không lộng hành, phức tạp, nhức nhối; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bức cung, nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự; không để phát sinh các loại tội phạm có tổ chức nhất là hoạt động của băng nhóm, không có các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp… Đặc biệt, các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc… giảm mạnh; đấu tranh trấn áp mạnh với các đối tượng, điểm, đường dây hoạt động “tín dụng đen”; số vụ án khởi tố trên các lĩnh vực kinh tế tăng hơn 421% so với cùng kỳ năm 2022; triệt xóa nhiều điểm, đường dây ma túy lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia và triệt xóa cơ bản các điểm, tụ điểm, đối tượng mua bán trái phép chất ma túy trong toàn tỉnh. Tổ chức triệt xóa băng nhóm Bùi Quốc Đạt (tức Đạt ma cầm đầu); kiềm chế, vô hiệu hóa, quản lý chặt chẽ băng nhóm do Tuấn thần đèn, Vy ngộ cầm đầu ở TP. Thanh Hóa, băng nhóm do Vũ Quyền cầm đầu ở TX. Nghi Sơn), không để các đối tượng hoạt động phức tạp, bắt giữ các đối tượng trong băng nhóm để băng nhóm tự tan rã; tạo chuyển biến tích cực, bền vững về tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh. Những kết quả bước đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp đã tiếp nhận mới 2.972 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, xác minh làm rõ 3.272 tin, đạt 92,5% (3.272/3.539). Tổ chức 02 lớp tập huấn công tác tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho hơn 600 CBCS thuộc 88 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đang tập trung chuyển hóa. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 69 đối tượng truy nã, trong đó bắt cho tỉnh ngoài 20 đối tượng; hiện còn 140 đối tượng (105 đối tượng trốn trong nước và 35 đối tượng có thông tin trốn ở nước ngoài); kéo giảm 30,5% đối tượng so với đầu kỳ năm 2023 (105/151 đối tượng). Tổ chức khám nghiệm 2.255 vụ việc, giám định 4.294 trưng cầu.
Điều tra làm rõ số phát hiện trong kỳ 1045 vụ, 2.085 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 75,18%); điều tra khám phá 196 vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (đạt tỷ lệ 97%); khởi tố 1.375 vụ, 2.596 bị can phạm tội về TTXH. Khởi tố 06 vụ, 07 bị can phạm tội về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Khởi tố 232 vụ, 444 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; trong đó, có 03 vụ khởi tố về tội buôn lậu; 18 vụ, 30 bị can phạm tội thuộc chương tham nhũng, chức vụ, thu hồi tài sản gần 7 tỷ đồng; phối hợp với lực lượng QLTT, Kiểm lâm... xử lý hành chính 94 trường hợp vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, phạt tiền gần 800 triệu đồng. Khởi tố 7 vụ, 15 bị can về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm; xử lý hành chính 287 vụ, 43 tổ chức, 247 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, phạt tiền hơn 7 tỷ đồng. Phát hiện, bắt giữ 810 vụ, 1.804 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, trong đó có 379 vụ phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý; khởi tố 653 vụ, 1.305 bị can; xử lý hành chính 119 vụ, 424 đối tượng; thu giữ hơn 8,5kg heroin, 1,1kg thuốc phiện, 109g cần sa, 42kg và hơn 64.000 viên ma túy tổng hợp; lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 381 đối tượng. Chỉ đạo đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm về ma tuý, triệt xoá, vô hiệu hoá 14 điểm phức tạp về ma tuý, 71 điểm có nguy cơ phức tạp về ma tuý.
Công tác truy tố, xét xử được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định. Đã phát hiện khởi tố 2.528 vụ, 4.788 bị can (tăng 12 vụ, 291 bị can so với cùng kỳ năm 2022 - tương ứng tăng 0,47% về số vụ và 6,08% về số bị can), trong đó: (i) Tội phạm trong lĩnh vực trật tự xã hội, trật tự quản lý hành chính: Khởi tố 956 vụ, 2.316 bị can (tăng 93 vụ, 73 bị can); (ii) Tội phạm về kinh tế và xâm phạm sở hữu, môi trường: Khởi tố 860 vụ, 1.129 bị can (giảm 10 vụ, tăng 182 bị can); (iii) Tội phạm về ma tuý: Khởi tố 690 vụ, 1.298 bị can (giảm 75 vụ, tăng 30 bị can); (iv) Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: Khởi tố 18 vụ, 35 bị can (tăng 04 vụ, 03 bị can); (v) Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp: Khởi 04 vụ, 10 bị can (tăng 03 bị can). Tòa án 02 cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 2.620 vụ, 5.465 bị cáo. Tòa án đã giải quyết 2.201 vụ, 4.456 bị cáo (xét xử 2.169 vụ, 4.409 bị cáo; đình chỉ 32 vụ, 47 bị cáo).
Công tác phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ. Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung tuyến biên giới đất liền và tuyến biển, có 10 địa bàn trọng điểm là các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển gồm: thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc và các huyện thuộc khu vực biên giới có người Mông sinh sống Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân.
Tổ chức tuyên truyền, vận động ký cam kết tham gia phát hiện tố giác tội phạm và không thực hiện các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Kết hợp cùng với “Cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia và các nước” và các Kế hoạch phòng, chống tội phạm để tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm đưa người xuất nhập cảnh, di cư trái phép và mua bán người: Xây dựng 144 băng zon, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền tại các địa điểm tập trung đông người; phát trên loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn với khoảng 5.907 lượt (tần suất 02 lượt/ngày); tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội với số lượng 990 lượt bài đăng, chia sẻ lại các bài viết tuyên truyền trên các fanpage do Công an các đơn vị quản lý hoặc trên các hội nhóm công khai có nhiều thành viên tham gia, qua đó lan tỏa đến đông đảo người dùng mạng nhằm cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị, các cuộc họp dân, tuyên truyền tại các trường học, chợ, nơi tập trung đông người với tổng số 440 lượt với khoảng 54.776 lượt người tham gia (đặc biệt có nhiều đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền lưu động bằng hình thức sân khấu hoá để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, giúp quần chúng dễ dàng tiếp cận, dễ nghe, dễ hiểu...). Tiếp tục duy trì và tiến hành tuần tra vũ trang, tuần tra nhân dân với khoảng 4.867 lượt/10.665 lượt người tham gia. Phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính tiến hành kiểm tra 278 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT với 204 lượt.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự thường xuyên thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại đối tượng mua bán người ra nước ngoài như: Tổ chức tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm mua bán người, kịp thời xác minh tin để giải cứu nạn nhân và đấu tranh trấn áp tội phạm; xây dựng kế hoạch quản lý đối tượng, thường xuyên điểm danh, kiểm diện, răn đe các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng biểu hiện nghi vấn, dấu hiệu phạm tội mua bán người; tổ chức xác minh kịp thời các đối tượng có biểu hiện bất minh liên quan đến tội phạm mua bán người để tiến hành điều tra, xử lý và ngăn chặn tội phạm; tích cực phối hợp với lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH nắm chắc tình hình phụ nữ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan… trở về thăm thân, đồng thời vận động những người này tích cực phối hợp với lực lượng Công an xác minh các vụ việc có liên quan đến mua bán người và tích cực tham gia, phát hiện, tố giác tội phạm này.
Các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường công tác quản lý khu vực biên giới; tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa người trái phép ra nước ngoài.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các địa bàn đóng quân phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát hơn trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người như: Công an huyện Mường Lát phối hợp với đồn Biên phòng Quang Chiểu, Tén Tằn, Tam Trung, Phù Nhi, Trung lý; Công an huyện Quan Hóa phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hiền Kiệt; Công an huyện Quan Sơn phối hợp với đồn Biên phòng Na Mèo, Mường Mìn, Tam Thanh; Công an huyện Lang Chánh phối hợp với đồn Biên phòng Yên Khương; Công an huyện Thường Xuân phối hợp với Đồn Biên phòng Bát Mọt; Công an huyện Hậu Lộc phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc; Công an huyện Hoằng Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng Hoằng Trường; Công an thị xã Nghi Sơn phối hợp với đồn Biên phòng Hải Hòa, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu Nghi Sơn; Công an huyện Quảng Xương và Công an Thành phố Sầm Sơn phối hợp với đồn Biên phòng Sầm Sơn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện, phòng ngừa hoạt động của tội phạm mua bán người và hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Trong năm 2023, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 02 tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma tuý vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác này còn hạn chế, cho rằng đó là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cho đối tượng có nguy cơ cao còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm, người nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư hiệu quả còn thấp. Tình hình tội phạm trên địa bàn được kiềm chế và giảm nhưng chưa vững chắc; hoạt động của tội phạm có tổ chức còn tiềm ẩn phức tạp; tội phạm gây thương tích, trộm cắp tài sản, tội phạm về ma tuý luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, tính chất tội phạm và hậu quả nghiêm trọng hơn; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng...; công tác phát hiện, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng, vi phạm pháp luật về môi trường còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, cơ quan đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
(1) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc Hội, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma tuý.
(2) Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra giai đoạn 2021-2025.
(3) Các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý với nhiều hoạt động thiết thực, nội dung hấp dẫn, phong phú; Vận động nhân dân tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư.
(4) Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan của tỉnh tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy nhất là đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cao điểm phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm về ma tuý, tội phạm trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
(5) Tăng cường công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý, kiểm tra chặt chẽ các loại thuốc tân dược có chất gây nghiện, thuốc hướng thần được phép lưu hành, sử dụng trong lĩnh vực Y tế và Công nghiệp không để tội phạm lợi dụng sản xuất, điều chế ra các chất ma tuý tổng hợp trên địa bàn.
(6) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng bị ảo giác, loạn thần cấp do sử dụng ma tuý có hành vi phạm tội.
(7) Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát tình hình trồng, tái trồng cây có chất ma túy trên địa bàn, đặc biệt là ở các bản giáp biên giới có truyền thống trồng cây thuốc phiện; lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào vùng giáp biên giới để họ từ bỏ việc trồng, tái trồng cây có chất ma tuý.
(8) Thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh nhằm làm giảm mức độ phức tạp tại các xã, phường, thị trấn 20 trọng điểm về ma túy; trọng tâm là chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy huyện Mường Lát. Duy trì và phấn đấu gia tăng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
(9) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma tuý, trọng tâm là triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy và triển khai hợp tác giữa 8 tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Lào theo Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị giao ban công tác phối hợp phòng, chống ma túy qua biên giới.