(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở. Các hoạt động về thông tin, tuyên truyền được chỉ đạo đồng bộ; công tác quản lý hoạt động trên báo chí và mạng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư với công nghệ hiện đại; công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng thực hiện hiệu quả; các hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT và chuyển đổi số được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã.
Các chỉ tiêu dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình tiếp tục được duy trì; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mở rộng vùng phục vụ với công nghệ hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh năm 2023. Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.980.000 thuê bao, tăng 4,44% so với cùng kỳ và vượt 0,13% so với kế hoạch (trong đó có 25.000 thuê bao cố định; 2.955.000 thuê bao di động), mật độ thuê bao điện thoại đạt 81,50 máy/100 dân. Tổng số thuê bao Internet trên toàn mạng ước đạt 2.450.000 thuê bao, tăng 6,33% so với cùng kỳ và vượt 0,83% so với kế hoạch, đạt mật độ 66,77 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền trên toàn mạng đạt 380.996 thuê bao. Tổng số báo xuất bản (bao gồm Báo Thanh Hóa, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh) ước đạt 500.000 tờ; bằng 100% kế hoạch. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông năm 2023 ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 2,42% so với cùng kỳ và vượt 2,08% kế hoạch. Hệ thống phát sóng phát thanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và hoạt động ổn định; 100% số xã đã được đầu tư hệ thống Đài truyền thanh cơ sở. Thời lượng phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì kết quả tốt; trong đó, thời lượng phát thanh 16 giờ/ngày, số giờ tự sản xuất bình quân 07 giờ/ngày; truyền hình 19 giờ /ngày, trong đó số giờ tự sản xuất bình quân 06 giờ/ngày, bằng 100% so với cùng kỳ; số giờ phát sóng đài truyền thanh cấp huyện duy trì từ 3-4 giờ/ ngày.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh; các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương. Công tác quản lý về hoạt động báo chí được thực hiện nghiêm túc; tổ chức tốt các cuộc họp báo cung cấp thông tin theo định kỳ và họp báo cung cấp thông tin về các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại; công tác giao ban báo chí cơ bản được duy trì, tạo nền nếp trong hoạt động báo chí; việc ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác phát ngôn, xử lý thông tin, tiếp và làm việc với báo chí được thực hiện thường xuyên; kịp thời đôn đốc các sở, ngành địa phương kiểm tra xử lý thông tin báo chí nêu. Trong năm, đã thẩm định và chấp thuận hoạt động đối với 03 Văn phòng đại diện, 01 Phóng viên thường trú; thẩm định hồ sơ chấp thuận thay đổi nhân sự của 02 văn phòng đại diện 18; thông báo dừng hoạt động đối với 02 đơn vị; chấm dứt hoạt động 01 văn phòng đại diện. Công tác quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành và thông tin điện tử được thực hiện theo quy định. Hoạt động thông tin đối ngoại tập trung giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.
Hạ tầng, trang thiết bị CNTT trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị CNTT; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ. Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư đảm bảo cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng của các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7. 100% các hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi sang IPv6; người dùng có thể truy cập cho song song địa chỉ IPv4 và IPv6 trên môi trường mạng; hoàn thành việc khảo sát, đăng ký hệ thống công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia. Các đơn vị duy trì hoạt động của hơn 700 điểm cầu họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; phối hợp tổ chức vận hành trên 50 hội nghị giao ban trực tuyến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và hơn 380 cuộc họp trực tuyến giữa cấp huyện với cấp xã, giúp tiết kiệm về mặt thời gian và chi phí hành chính. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) (tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định; hiện đang cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 11 dịch vụ kết nối bên ngoài; đã thực hiện khai báo mã định danh điện tử cho 2.588 đơn vị và đồng bộ lên hệ thống danh mục điện tử dùng chung của các cơ nhà nước.
Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 03 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh được duy trì. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 3.258.819 lượt văn bản, trong đó phát hành 1.037.973 văn bản đi. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, và cấp huyện, cấp xã đã thực sự chủ động và tích cực sử dụng, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; cơ bản thực hiện đúng quy trình xử lý văn bản và ký số cá nhân, ký số cơ quan trên văn bản điện tử; số lượng văn bản được tạo lập, trao đổi và xử lý trên phần mềm ngày càng chất lượng, có hiệu quả, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%. Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn) cung cấp 842 dịch vụ công trực tuyến một phần và 868 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.710 dịch vụ, hoạt động ổn định, hiệu quả, thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước. Qua theo dõi thống kê trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện đều vượt chỉ tiêu; 558/559 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn bằng 99,92% đơn vị vượt chỉ tiêu được giao; có 01 đơn vị không đạt chỉ tiêu (UBND xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 44,05% so với chỉ tiêu được giao 60%); Cổng Dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đến ngày 20/12/2023, toàn tỉnh có 2.121 TTHC, trong đó: cấp tỉnh: 1.561; cấp huyện 317; cấp xã 243.Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,33%.
Cổng Dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào triển khai, sử dụng, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp, đến ngày 10/12/2023 có 236 bộ cơ sở dữ liệu mở thuộc 15 lĩnh vực. Phối hợp hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho người dân, tổ chức khi thực hiện các TTHC được định danh và xác thực điện tử thông suốt, không phải khai báo thông tin ban đầu; kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Toàn tỉnh có có 679/679 cơ sở y tế đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh, đạt tỷ lệ 100%; có 5.989.970 lượt tra cứu, trong đó số lượt tra cứu thành công là 4.123.648 lượt; số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD là 3.056.476 thẻ. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; tổng số đối tượng hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là: 261.308 người (trong đó: 194.479 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 66.829 người hưởng chính sách người có công). Chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật thông tin dữ liệu trẻ em là: 960.281/960.281 trẻ em (đạt tỷ lệ 100%). Thực hiện rà soát và làm sạch 60.878/65.161 người có công với cách mạng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỉ lệ 96,5%). Thực hiện xác thực dữ liệu Bảo hiểm - Xã hội đúng với CSDLQG về dân cư 3.131.934/3.234.471 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,82%. Nhập dữ liệu Số hóa hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 1.319.744/2.343.764 trường hợp (đạt tỷ lệ 56,3%). Thực hiện rà soát 1.872.348/2.371.256 mã số thuế cá nhân (đạt tỷ lệ 79%). Duy trì kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại 04 đơn vị cấp huyện và 95 đơn vị cấp xã. Toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được công bố đủ điều kiện khám và cấp Giấy khám sức khỏe lái xe, trong đó có 38 cơ sở đã thực hiện liên thông 22.279 giấy khám sức khỏe cho người lái xe.
Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%. Các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng tốt các nền tảng số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, văn phòng điện tử e-office, tiếp cận vốn vay, hệ sinh thái kế toán… và một số nền tảng số phục vụ chuyên ngành sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Người dân trong tỉnh đã áp dụng các nền tảng số như các Sàn Thương mại điện tử, facebook, youtube, Zalo để quảng bá, bán hàng. Một số sản phẩm của người dân đã được dán tem truy xuất nguồn gốc hơn (105.815 tem); có trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; đã đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử; cung cấp hơn 537.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 910.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Hiện có khoảng 6.500 doanh nghiệp đã được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số, hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thí điểm mô hình "3 không: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; Không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và Không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền" tại 5 xã, phường trên địa bàn tỉnh (phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa; xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương; xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân; xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa va xã Nga Liên, huyện Nga Sơn). Việc triển khai mô hình "3 không" đã bước đầu cung cấp các công cụ thuận tiện cho người dân tham gia chuyển đổi số, thay đổi căn bản tư duy, thói quen của người dân/doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Tỷ dân số trên 15 tuổi có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân tăng nhanh. Do vậy, một số đơn vị đã đăng ký triển khai nhân rộng mô hình "3 không", đặc biệt UBND Thành phố Thanh Hóa đã triển khai diện rộng đến các xã, phường trên địa bàn.
Đẩy mạnh phát triển nhân lực số; trong năm, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số cho 33.475 cán bộ công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin được quan tâm đẩy mạnh, 100% các hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ IPv6; có 856/856 cơ quan, đơn vị có hệ thống thông tin được phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% các hệ thống thông tin được thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; Trung tâm an ninh mạng và an toàn dữ liệu tỉnh Thanh Hóa hoạt động ổn định, thông suốt 24/7; 100% các cổng/trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn, rà soát và gán nhãn tín nhiệm mạng. Trong năm 2023, đã ghi nhận có 16 cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đang bị lây nhiễm mã độc, kết nối vào mạng máy tính ma botnet; 434 máy tính nhiễm mã độc đã được xử lý, 954 máy tính có kết nối đến các tên miền độc hại ngoài internet, 940 máy tính tồn tại các lỗ hổng bảo mật. Thực hiện ứng cứu 464 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung. So với cùng kỳ năm 2022 số lượng cơ quan bị lây nhiễm mã độc, kết nối vào mạng máy tính ma botnet giảm. Triển khai xác định, phân loại, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho 808 cơ quan, đơn vị, nâng tổng số các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh được phê duyệt Hồ sơ cấp độ an toàn lên 856 cơ quan, đơn vị.
Hạ tầng mạng lưới của các doanh nghiệp Bưu chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì nâng cấp, khang trang giao dịch, hiện có 20 doanh nghiệp bưu chính với 842 điểm cung cấp dịch vụ có người phục vụ, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022). Có 559/559 xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; Bán kính phục vụ bình quân 2,14 km/điểm phục vụ; Chất lượng dịch vụ bưu chính tiếp tục gia tăng các dịch vụ phụ trợ. Hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư, mở rộng vùng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động phát triển mới trong năm 2023 là 251 cột, lắp đặt mới 426 thiết bị (trong đó 98 2G, 120 3G, 208 4G) nâng tổng số trạm trên toàn mạng lên 9.347 trạm BTS (2.587 trạm 2G, 2.744 trạm 3G, 4016 trạm 4G) tại 3.982 vị trí; 14 trạm chuyển mạch cố định và 2.785 thiết bị truy nhập Internet cáp quang; Các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi; cải tạo chỉnh trang làm gọn khoảng 250 km đường dây cáp viễn thông.
Công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được tăng cường. Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hànhthanh tra, kiểm tra 25 tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm 13 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt 138,5 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý thông tin trong hoạt động báo chí chưa thực sự quyết liệt, nên có nội dung còn kéo dài; một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong quá trình tiếp và làm việc với các cơ quan báo chí. Việc triển khai chính sách hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm. Việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn mang tính thứ bậc, chưa đảm bảo nguyên tắc đồng đẳng, dẫn đến việc thiếu tính kế thừa như CSDL cấp đổi giấy phép lái xe, CSDL doanh nghiệp. Công tác chỉnh trang, bó gọn mạng cáp ngoại vi viễn thông còn hạn chế, mới tập trung ở các khu vực trung tâm hành chính, các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Hiện vẫn còn 15 thôn/bản miền núi chưa có hạ tầng băng rộng cố định, một số thôn/bản có chất lượng dịch vụ thông tin di động kém. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh mới đạt 74,6% (Kế hoạch là 80%).