(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ "Năm đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" 2023 trong toàn hệ thống chính trị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương, đơn vị. Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy và khối Dân vận xã, phường, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, nhiều nơi có cách tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị như các huyện: Triệu Sơn, Đông Sơn, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Như Xuân... trong đó nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tự tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện phong trào thi đua, tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác "Dân vận khéo" trong lĩnh vực phát triển kinh tế, trọng tâm là vận động Nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, phát triển cánh đồng mẫu lớn, phát triển trang trại, gia trại; cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; phát triển ngành nghề, thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường lưu thông, chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy, hải sản. Vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo nhanh, bền vững. Phong trào thi đua "Đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm như: Khu kinh tế Nghi Sơn, tuyến đường Cao tốc Bắc - Nam, các cụm công nghiệp... Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, các vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng đều được giải quyết chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận với các chủ trương, chương trình, dự án của Nhà nước; một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo trong công tác "Dân vận khéo", như: huyện Đông Sơn, huyện Triệu Sơn giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; thành phố sầm Sơn giải phóng mặt bằng xây dựng Quảng trường biển... được Nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.
Phong trào "Đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm đạt được hiệu quả thiết thực, nhất là vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp công sức để phát triển giao thông liên xã, liên thôn; kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở vật chất trường học; xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao ở thôn, bản; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; chỉnh trang các khu dân cư theo hướng văn minh, hiện đại; đổi mới tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Điểm nổi bật là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ nên Nhân dân đồng thuận và tích cực đóng góp kinh phí, đóng góp ngày công, hiến đất, bàn giao mặt bằng... Năm 2023, có thêm 01 đơn vị cấp huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 08 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, kết quả qua 01 năm thực hiện, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã có nhiều kết quả nổi bật: Toàn tỉnh đã xây dựng được 214 mô hình, điển hình trên lĩnh vực kinh tế; trong đó có nhiều mô hình, điển hình đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người người dân được các cấp, các ngành duy trì, nhân rộng. Tiêu biểu như: Mô hình "Dân vận khéo" trong tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Yên Định (sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 30 ha tại xã Định Tiến, xã Định Long, thị trấn Quý Lộc); "Dân vận khéo" trong "trồng chanh leo" tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua "Dân vận khéo" tập trung vào việc vận động Nhân dân huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung chỉ đạo đạt kết quả việc xây dựng thôn, bản, khu phố, cơ quan, trường học văn hóa; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hoá ở cơ sở. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được bảo tồn, khôi phục và phát huy; các hoạt động thể dục, thể thao được các tầng lớp Nhân dân tham gia và hưởng ứng tích cực; các thiết chế về văn hóa được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ thôn, bản, khu phố, gia đình văn hóa được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Điển hình như: Mô hình "Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hoá" tại Giáo xứ Tam Linh, xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn; tại các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Hà Trung mô hình "Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hoá" tiếp tục được duy trì tốt và phát huy hiệu quả...
Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được triển khai thực hiện đồng bộ; phong trào khuyến học, khuyến tài được triển khai sâu rộng trong các dòng họ khu dân cư, quỹ khuyến học được Nhân dân, doanh nghiệp đóng góp để khuyến khích học tập đạt kết quả cao. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thu được hàng tỷ đồng hỗ trợ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn vươn lên học tốt, dạy tốt. Thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với các phong trào, các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vẫn hóa", "Đền ơn đáp nghĩa", "Ngày vì người nghèo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thanh niên lập thân, lập nghiệp", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Cựu chiến binh gương mẫu"... các ngành, các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; huy động các nguồn lực trong các thành phần kinh tế và vận động Nhân dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc tại địa phương. Nhiều mô hình có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: mô hình "Nuôi lợn nhựa", "Hũ gạo tiết kiệm" của Hội phụ nữ; mô hình "Mái ấm công đoàn" của Liên đoàn Lao động; mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình "5 không, 3 sạch", "nhà đẹp, vườn mẫu" của Hội phụ nữ; mô hình xây dựng nhà "Nghĩa tình đồng đội" của Hội Cựu Chiến binh....
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, công tác "Dân vận khéo" tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, gắn với việc xây dựng thế trận lòng dân và đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền để Nhân dân hiểu và chống lại âm mưu "Diễn biến hoà bình", bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch; đẩy mạnh các phong trào thi đua "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; "Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự", với chủ đề "Vì bình yên cuộc sống từng người, từng nhà, từng cơ quan, đơn vị, hãy làm nhiều việc tốt về an ninh trật tự"; xây dựng các khu liên gia tự quản, bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng dân cư. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và các đơn vị lực lượng vũ trang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý với nhiều nội dung liên quan đến chính sách đất đai, hộ tịch, chính sách an sinh xã hội; tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ đường biên, mốc giới; tăng cường bám sát địa bàn, tiếp xúc với Nhân dân; đối thoại và hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện cơ chế một cửa có hiệu quả; công khai hóa cho Nhân dân biết và thực hiện. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng, kéo dài, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đông người; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thực hiện tốt công tác "Dân vận khéo" trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn. Tập trung thực hiện tốt xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ" trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ trong tiếp dân và giải quyết công việc cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, hướng mạnh về cơ sở, tập trung chỉ đạo xây dựng củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng cơ sở, phát triển đoàn viên, hội viên; xây dựng lực lượng cốt cán; quan tâm chỉ đạo cơ sở yếu kém, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng giáo... Do đó, chất lượng tổ chức được nâng lên, tỷ lệ tập hợp quần chúng năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mùa vụ, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nhân đạo từ thiện... góp phần quan trọng trong việc xây dựng các đoàn thể vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được gắn với thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai các biện pháp, hình thức thích hợp để giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận theo phương châm "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm"; "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị có những chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân.
Nhìn chung, việc thực hiện "Năm đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" 2023 đã được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Năm 2023 phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, năm 2023 toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng thêm 2.496 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực, đến nay toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 9.319 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã có 38 tập thể và 12 cá nhân được Ban Thường vụ và Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng; có hàng ngàn điển hình tiên tiến được các cấp uỷ từ huyện đến cơ sở biểu dương, khen thưởng.
Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt, triển khai, phát động thực hiện "Năm đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" 2023 ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa sát với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác hướng dẫn xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được thường xuyên; số lượng mô hình còn ít, nhiều mô hình chưa thực sự bền vững. Việc xây dựng mô hình, điển hình trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa nhiều, tính hiệu quả và lan tỏa trong các mô hình còn hạn chế. Việc tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng trong xây dựng mô hình, biểu dương khen thưởng và nhân rộng những mô hình, điển hình chưa thường xuyên...
Sau 01 năm triển khai thực hiện "Năm đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, xác định công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; do đó, nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào hoạt động hiệu quả, có tính đồng bộ, có nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", ngược lại nơi nào thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc nơi đó phong trào đạt hiệu quả thấp.
Hai là, phong trào thi đua "Dân vận khéo" phải được triển khai trong cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, tùy từng lĩnh vực, từng điều kiện của địa phương để lựa chọn các nội dung, việc làm, mô hình, điển hình cụ thể, phù hợp, thiết thực để thực hiện; gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo" các phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để thực hiện.
Ba là, hệ thống dân vận các cấp tham mưu cho cấp ủy hướng dẫn cụ thể nội dung thực hiện; tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng các mô hình, điển hình làm cơ sở để tổ chức tổng kết, sơ kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình, điển hình tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà các địa phương, đơn vị và tỉnh đã đề ra.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, hệ thống Dân vận các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong toàn hệ thống chính trị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhằm huy động mọi nguồn lực trong các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương, đơn vị; trọng tâm là thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo nhanh và bền vững và xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong tình hình hiện nay, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và chiến sỹ lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
(2) Tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, cách thức tổ chức phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" bằng những nội dung, việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo" với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tập trung xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Lựa chọn, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải thực sự có hiệu quả thiế thực, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình trong các lĩnh vực khó, lĩnh vực nhạy cảm như "Dân vận khéo" trong vùng đồng bào dân tộc, miền núi, đồng bào tôn giáo, trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đẩu tư, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác "Dân vận khéo" trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, trọng tâm là xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ"; thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ; tăng cường tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, các vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở; tiếp xúc xây dựng phong cách người cán bộ, công chức "gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".
(4) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; sự tham mưu, hướng dẫn của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở các cấp, các ngành. Chú trọng vai trò tham mưu, hướng dẫn nội dung, đổi mới cách thức tổ chức phong trào thi đua "Dân vận khéo" ngày càng hiệu quả; hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình, điển hình có hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
(5) Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình, điển hình; tuyên truyền và biểu dương, nhân rộng, khen thưởng các mô hình, điển hình để động viên, cổ vũ phong trào ngày càng hiệu quả.