Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tổ chức tín dụng thuộc hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Năm 2023, NHNN đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, NHNN đã điều hành linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân đạt 3,2%, thấp hơn mức 4,5% được Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2,5% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại tệ được giữ ổn định và hạn chế các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,89% so với đồng USD.

Đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, nhiều chương trình tín dụng được triển khai đã góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Toàn cảnh điểm cầu hội nghị tại Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đánh giá kết quả đạt được, những mặt hạn chế và nguyên nhân, từ đó kiến nghị các giải pháp trọng tâm trong năm 2024, như: các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, ngoại hối để bảo đảm hài hoà mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thực hiện chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng...

Năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế biến động tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát nợ xấu. Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2024, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm và ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. Song theo Thủ tướng, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được tập trung khắc phục, như: phản ánh chính sách trước tình hình cần kịp thời hơn; một số cơ chế, chính sách tín dụng còn cứng nhắc, chưa thực sự linh hoạt, sát tình hình; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành cần chặt chẽ hơn; công tác thanh tra, giám sát cần hiệu quả hơn...

Đánh giá năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội; để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN và toàn ngành ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.

Theo đó, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời; chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chấm dứt cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, khách hàng lớn.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết như: tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Kế hoạch, chương trình hành động năm 2024 theo chỉ đạo của NHNN; rà soát các điều kiện tín dụng linh hoạt và sát tình hình hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn.

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh, vì doanh nghiệp, người dân và cộng đồng. Chủ động, tích cực, dẫn dắt tiến trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh...

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)