(Thanhhoa.dcs.vn): Giai đoạn 2021 - 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ) trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, việc triển khai các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2021 - 2023 đã được tổ chức thực hiện có hiệu quả và đi vào chiều sâu gắn với thực hiện Chiến lược tổng thể Hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước của tỉnh; mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên các lĩnh vực; chương trình phát triển du lịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh; đồng thời giúp giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa - lịch sử, tiềm năng phát triển, những thành tựu đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh đến với cộng đồng trong và ngoài nước, nhất là trong khu vực ASEAN.

Các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân được đẩy mạnh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Kết quả, năm 2023 toàn tỉnh có 85,4% làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, tăng 4,9% so với năm 2021 và 84,9% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 5,8% so với năm 2021. Trong ba năm 2021 - 2023, toàn tỉnh có thêm 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 46 xã và 208 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã và 330 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 282 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 352 xã, 700 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng y tế giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai thực hiện chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát, hiệu quả từ khâu phòng dịch đến điều trị bệnh nhân Covid-19, phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực, nên đã hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường; ước đến hết năm 2023, đạt 37,5 giường bệnh/vạn dân, tăng 1,5 giường so với năm 2020; đạt 12 bác sĩ/vạn dân, tăng 01 bác sĩ; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 97,7%, tăng 3,1%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%, tăng 2,5% so với năm 2020.

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động, đảm bảo phù hợp với tình hình và diễn biến của dịch bệnh Covid-19; các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm cho trên 185.000 lao động, trong đó: ước đưa trên 26.100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 251.190 người, qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động lao động qua đào tạo đạt 73%, tăng 3% so với năm 2020; trong đó 29% có bằng cấp, chứng chỉ, tăng 3,9% so với năm 2020; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 3,1% năm 2020 xuống còn 2,8% vào cuối năm 2023, giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn từ 6,1% năm 2020 xuống còn 5,8% vào cuối năm 2023.

Công tác nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thường xuyên được coi trọng; đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". Tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho trẻ làm quen tiếng Anh. Thực hiện tốt các yêu cầu được quy định tại Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi hùng biện, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học; xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ cho học sinh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp so với cuối năm 2020. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tổng diện tích đất được giao sử dụng của các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp là trên 1,5 triệu m2; diện tích phòng học lý thuyết là trên 72.800 m2; phòng/xưởng thực hành là trên 191.400 m2, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo theo quy định của Chính phủ.

Triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, tiếp cận văn minh để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc; nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát; tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 99,51%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; 100% đường giao thông đến trung tâm xã, trung tâm huyện hư hỏng, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác đạt 99,9%.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 22- KH/TU ngày 23/7/2021 thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Kết quả trong ba năm 2021 - 2023, đã ban hành 168 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC), danh mục TTHC; ban hành và đưa vào thực hiện theo hình thức liên thông cùng cấp đối với 556 TTHC; thực hiện theo hình thức liên thông giữa các cấp chính quyền đối với 159 TTHC; tiếp nhận và xử lý đúng quy định đối với 1.715 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân. Duy trì và thực hiện 728 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 247 dịch vụ công trực tuyến một phần; tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt từ 97% trở lên, tỷ lệ hài lòng đạt từ 85% trở lên; kết quả giải quyết TTHC, việc xin lỗi tổ chức, công dân đã được công khai đúng quy định; hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã từng bước được nâng cao.

Chú trọng xây dựng cộng đồng hòa nhập, giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo từng bước phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, gồm 06 huyện nghèo, 02 xã bãi ngang ven biển và hải đảo; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (hộ nghèo được hỗ trợ 100%; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng); trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, đã triển khai thực hiện; các mục tiêu về tiếp cận giáo dục, nhà ở, thông tin và tín dụng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng đúng quy định đối với trên 5,4 triệu lượt đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 2.980 tỷ đồng. Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với trên 70.000 người cao tuổi với kinh phí thực hiện gần 30 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh đã bố trí trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 1.565 tấn gạo trợ giúp xã hội đảm bảo đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và kỳ giáp hạt. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng trên 1,33 triệu suất quà trong dịp Tết Nguyên đán cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện hơn 864 tỷ đồng.

Các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm triển khai thực hiện tại các địa phương trong tỉnh; đến nay, toàn tỉnh có 948.944 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 12.771 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), giảm 3,05% so với năm 2020 và 109.052 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, giảm 1,7% so với năm 2020. Tỷ lệ trẻ em có HCĐB được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau đạt trên 93,7%, tăng 1,7% so với năm 2020. 100% số vụ xâm hại trẻ em đều được phối hợp, can thiệp, trợ giúp và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; 100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp với trẻ em được quan tâm thực hiện, đã có 466 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại cộng đồng tiếp tục phát huy tác dụng. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tích cực thực hiện. Đến nay đã có 82% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; 50% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách BHXH được nâng cao, công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH được tăng cường. Việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp được quan tâm, tình trạng đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật được hạn chế. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; tổng số lao động tham gia BHXH tăng 109.554 người so với cuối năm 2020; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 63.246 người so với cuối năm 2020.

Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, từ đó nhân rộng nhiều mô hình để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình. Các địa phương tổ chức rà soát, thống kê Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với xây dựng các mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, "Gia đình hạnh phúc", Gia đình "5 không, 3 sạch"… Toàn tỉnh đã thành lập 11.626 câu lạc bộ gia đình, 1.706 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 1.671 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được duy trì hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, 100% vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn được nhóm phòng, chống bạo lực gia đình phối hợp với Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình kịp thời phát hiện và ngăn chặn qua đó người dân được truyền đạt, học hỏi những kiến thức khoa học, những kinh nghiệm thực tế trong phát triển sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tích cực triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững. Công tác bảo vệ môi trường được tăng cường; các sự cố môi trường được khắc phục, xử lý kịp thời4 . Năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ước đạt 90%, tăng 5% so với năm 2020; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn chiếm 83%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn là 100%. Mặt khác, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức vận hành trực 24/24h hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại 03 huyện miền núi của tỉnh (giai đoạn 1). Đã kịp thời khắc phục hậu quả do các đợt lũ lụt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023; ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa đảm bảo đúng quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, phục vụ đời sống Nhân dân.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong công tác quản lý đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tỉnh Thanh Hóa. Trong ba năm 2021 - 2023, đã hỗ trợ xây dựng 250 căn nhà cho người nghèo phòng, tránh bão, lụt; thực hiện chăm sóc, bảo vệ 350 ha rừng trồng năm 2019, qua đó đã kịp thời hỗ trợ người dân, cộng đồng các địa phương ven biển vùng dự án ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, tăng chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học.

Tập trung xây dựng cộng đồng tự lực, tự cường. Mạng lưới y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố; ngành y tế đã bố trí nhân lực, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, cung cấp trang thiết bị cho mạng lưới cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh tiến tới bảo đảm chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Hằng năm đã tăng cường tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho y tế tuyến cơ sở. hướng dẫn và xây dựng, thẩm tra bếp ăn tập thể. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, giám sát mẫu thực phẩm, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hội nghị, sự kiện trong tỉnh, truyền thông, treo băng rôn, cấp phát tài liệu truyền thông.

Tăng cường công tác quản lý hóa chất, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, môi trường cơ sở y tế. Ngành y tế đã tổ chức các hoạt động khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, trước khi chuyển đổi vị trí làm việc; khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp và tổ chức kiểm tra vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở lao động có phát sinh nhiều yếu tố độc hại. Tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Các đơn vị y tế tích cực ứng dụng tin học trong quản lý, điều hành. 100% các đơn vị đã sử dụng ứng dụng quản lý văn bản điện tử, 100% các bệnh viện đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện, báo cáo nhân lực, hầu hết các trạm y tế xã đã sử dụng phần mềm quản lý, khám chữa bệnh.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chính sách về các lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, tiền lương, giáo dục nghề nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội... Trong ba năm 2021 - 2023 đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 158 doanh nghiệp, đơn vị, địa phương; tiến hành điều tra 77 vụ tai nạn lao động. Qua đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 doanh nghiệp, đơn vị và 40 người lao động với tổng số tiền xử phạt 975 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đã tổ chức và phối hợp tổ chức 89 lớp tập huấn về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội cho 4.817 lượt người; tổ chức 12 Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội với sự tham gia của trên 16.000 học sinh, học viên, giáo viên, giảng viên; in, cấp phát 90.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Đến thời điểm hiện tại, các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đang quản lý 969 đối tượng; cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đang tổ chức điều trị cho 102 bệnh nhân.

Hằng năm, ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch đưa nội dung giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy - HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người vào chương trình giảng dạy trong các trường học bằng cách lồng ghép, tích hợp trong các môn học có liên quan như: Sinh học, Giáo dục công dân, Hoá học, Địa lý, Văn - Tiếng Việt và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để cung cấp kiến thức về HIV/AIDS, tác hại của tệ nạn ma túy, giáo dục học sinh thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn.

Triển khai có hiệu quả các hoạt động góp phần xây dựng cộng đồng năng động. Tỉnh đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); duy trì mối quan hệ với thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức); xúc tiến việc thiết lập quan hệ với tỉnh Niigata (Nhật Bản). Phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, 50 năm Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, Tuần lễ văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn năm 2022, hội nghị hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh. Thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk). Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2023 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, khởi công xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm. Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế. Cảng biển Thanh Hóa là cảng biển loại I, đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tiềm năng trở thành cảng đặc biệt. Hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được ưu tiên đầu tư. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế... được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Công tác quản lý lao động là người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đã tiếp nhận, thẩm định cấp, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 3.582 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh, chủ yếu là chuyên gia/lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm quản lý tại các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Ngành giáo dục đã quán triệt các đơn vị thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra, khuyến khích kiểm tra kỹ năng nghe, nói. Khuyến khích giáo viên sử dụng bài thuyết trình, bài viết, dự án, sản phẩm nghiên cứu liên môn của học sinh để thay thế điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh. Đối với công tác ra đề kiểm tra cuối học kỳ, hằng năm ngành giáo dục đã ban hành hướng dẫn cụ thể, thành lập hội đồng ra đề kiểm tra học kỳ, xây dựng ma trận với đầy đủ các kỹ năng nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm thực hiện; có thêm 07 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 18 di sản. Thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực; từ năm 2021 đến nay, các vận động viên của tỉnh giành được 960 huy chương các loại (297 HCV, 262 HCB, 401 HCĐ) tại các giải thể thao trong nước và quốc tế; trong đó đạt 17 huy chương (10 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ) tại SEA Games 31; đạt 17 huy chương (7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ) tại SEA Games 32.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức. Hoạt động du lịch giảm mạnh trong năm 2021, song đã có sự phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022 và năm 2023; tổng lượng khách du lịch giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 26,5 triệu lượt khách, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm. Đặc biệt trong ba năm 2021 - 2023 các sự kiện văn hoá, lễ hội truyền thống lớn được tổ chức như: Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hoá; Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hoá; Lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh; Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ tại Di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu; Lễ hội Bà Triệu năm 2023 và Lễ đón nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Tuần Văn hóa Hội An tại Thành phố Thanh Hóa… đã góp phần nâng tầm sản phẩm du lịch văn hóa.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, lao động trong các doanh nghiệp du lịch, lao động du lịch cộng đồng được quan tâm tổ chức hằng năm. Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức 36 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch, bồi dưỡng chuyên sâu cho quản lý khách sạn, công ty lữ hành, bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, một số địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng đã chủ động liên hệ với các trường để tổ chức đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người dân địa phương về giao tiếp ứng xử văn minh du lịch và các nghiệp vụ du lịch.

Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn. Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, định kỳ hằng tháng, quý viết bài tuyên truyền, quảng bá kết quả thực hiện Chương trình OCOP; Truyền hình VTV1, Truyền hình Thanh Hóa thực hiện các phóng sự: “Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa” và “Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị hàng hóa, hướng đến xuất khẩu”; các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự về chương trình, quảng bá các sản phẩm và các điểm bán sản phẩm OCOP; đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; thường xuyên cập nhật thông tin, tin bài trên các website:ocoptinhthanhhoa.com.vn và ocopvietnam.gov.vn để tuyên truyền triển khai, thực hiện Chương trình OCOP.

Hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP: Thực hiện hỗ trợ cho các chủ thể kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; hỗ trợ, phát triển 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong giai đoạn 2021-2023 còn một số khó khăn, hạn chế đó là: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong 02 năm 2021-2022 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Công tác tuyên truyền chưa được triển khai và thực hiện một cách thường xuyên ở các địa phương trong tỉnh. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thực sự phong phú; tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền ít. Đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền chưa được tập huấn nhiều về kỹ năng, nghiệp vụ, tiếp cận với việc triển khai, thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN để phục vụ công tác tuyên truyền. Kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình còn hạn chế, nên việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài chưa thường xuyên. Dịch vụ chất lượng cao phát triển chậm. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch chưa nhiều; kết nối các tour, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh còn hạn chế; khách du lịch quốc tế đến tỉnh còn rất ít; doanh thu du lịch bình quân trên lượt khách thấp..

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)