(Thanhhoa.dcs.vn): Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, Người khẳng định:” Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Tuy vậy, thanh niên cũng là một lực lượng rất nhạy cảm, khả năng tiếp cận với cái mới rất nhanh, nặng tâm lý khẳng định bản thân nhưng còn hạn chế về nhận thức, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên đây là đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, mua chuộc nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Do đó, vấn đề nâng cao sức chiến đấu của thanh niên Việt Nam trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng lên. Điều này đã tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Tuy vậy, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện các thủ đoạn, âm mưu chống phá các thành quả của Đảng và Nhân dân ta; trong đó, thế hệ trẻ là mục tiêu chính yếu mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng tới. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do lực lượng thanh thiếu niên có số lượng đông đảo, có tinh thần nhiệt tình, hăng hái, có khả năng tiếp cận nhanh với những cái mới nhưng lại bị hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm nên rất dễ bị lôi kéo, kích động và lợi dụng; quan trọng hơn, đoàn viên, thanh niên chính là "chủ nhân tương lai của đất nước", là "lực lượng rường cột của nước nhà", luôn nhận được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; vì vậy, lựa chọn đối tượng thanh niên chính là nhằm mục đích sâu xa là hủy hoại tương lai của đất nước.

Hiểu một cách đơn giản thì “thế lực thù địch” là các cá nhân, tổ chức có âm mưu, hành vi gây tổn hại đến chủ quyền, lãnh thổ, gây bất ổn, làm rối loạn tình hình an ninh trật tự, trái với những quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Đặc trưng lớn nhất của “thế lực thù địch” đó là tính phụ thuộc vào hoàn cảnh, bối cảnh phát triển của đất nước; không có thế lực nào luôn luôn thù địch và chống mãi mãi; việc xác định thế lực thù địch cần phải phụ thuộc vào đúng thời kỳ, đúng giai đoạn của lịch sử phát triển nước ta. Trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rõ ràng thế lực thù địch đã trở nên khó xác định cụ thể, hoạt động tinh vi hơn so với các giai đoạn trước. Tuy nhiên, một vài đặc trưng cơ bản để có thể nhận diện các “thế lực thù địch” là những tổ chức, cá nhân có các hoạt động:

Một là, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại “độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam, xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, các quyền của công dân Việt Nam;

Hai là, tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam;

Ba là, kích động, gây chia rẽ, kỳ thị giữa các dân tộc, tôn giáo… gây ra mất ổn định an ninh, trật tự xã hội,..

Với các đặc trưng trên, không nên nhầm lẫn “thế lực thù địch” là những người có tiếng nói khác trong các vấn đề xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo,.. những người đưa ra các phản biện trên tinh thần ôn hòa, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó không phải là những người công nhân tụ tập tham gia đình công, bãi công, hay những người nông dân không còn đất canh tác đi tìm lại lợi ích của mình. Mà, “thế lực thù địch” chính là các cá nhân, tổ chức đang "sống ký sinh" vào những vấn đề còn tồn tại đó trong xã hội; chúng lợi dụng vấn đề của những người nông dân, công nhân chân chính đi tìm quyền lợi chính đáng, những thanh niên muốn thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành nhưng chưa đủ hiểu biết… để trục lợi, để gây bất ổn chính trị trong nước.

Dễ dàng nhận thấy rằng, một trong những đối tượng trọng điểm mà thế lực thù địch hướng tới đó chính là thanh niên, bởi xác định đây là tầng lớp đang trong giai đoạn định hình tương lai. Trong giai đoạn này, ngoài những “cơn gió mát lành” đem tới tri thức, sự hiểu biết giúp cho thanh niên phát triển nghề nghiệp, bản thân, thì còn có những “cơn gió độc” mang theo những thông tin sai lệch, xuyên tạc “thổi” tới họ. Và nếu thanh niên không có bản lĩnh vững vàng, không được trang bị những kỹ năng và vũ khí để tránh né, hậu quả sẽ là rất nặng nề. Bởi không chỉ những thanh niên này bị nhiễm “độc” mà còn sẽ là “những mầm bệnh” đi lan truyền cho những thế hệ tiếp theo. Do vậy, việc nhận diện những “cơn gió độc” cả về nội dung lẫn hình thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp thanh niên có thể phòng, tránh, đánh bại nó một cách triệt để, có hiệu quả.

Để giúp thanh niên nâng cao sức chiến đấu, tăng sức “đề kháng” và “miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin “chính thống” trên đa dạng các kênh truyền thông. Như phần trước đã trình bày, “chiến trường” chủ yếu của các thế lực thù địch sử dụng là trên “không gian mạng”. Bởi với tính đặc thù của phương thức đấu tranh tư tưởng nói chung, vũ khí tối ưu nhất vẫn là tạo "sức đề kháng" cho từng thanh niên có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bằng cách cung cấp kịp thời, đầy đủ cho họ những thông tin chính xác, kịp thời. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác. Do vậy mà cần thiết phải đa dạng hóa các kênh thông tin đa phương tiện để truyền tải nội dung thông tin một cách kịp thời và chính xác. Ví dụ như xây dựng các chương trình trao đổi, đối thoại thanh niên trên sóng truyền hình hàng tuần; hay như tạo lập các website, hoặc page chính thức của các cơ quan, tổ chức Đoàn thể nhằm đưa ra những thông tin đúng đắn, lành mạnh, tích cực về tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, nghiên cứu thành lập các diễn đàn trao đổi, chia sẻ, thông qua các kênh từ mạng xã hội cho tới các buổi tọa đàm, chia sẻ tri thức để nhằm mục đích phân tích, làm rõ các cấp độ thông tin từ hệ thống tới chi tiết. Định kỳ, các diễn đàn chia sẻ tri thức, thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản những âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời cũng thường xuyên cung cấp các thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời với từng loại thông tin sai trái, thù địch; để đoàn viên, thanh niên không nghe theo, không làm theo và không bị lừa gạt bởi những thông tin xấu, độc.

Hai là, vận dụng phương thức giáo dục của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn thi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Bởi quy định của tâm lý lứa tuổi, những người trẻ bao giờ cũng nhìn những người đi trước là những tấm gương để noi theo và phấn đấu. Một minh chứng điển hình cho điều này, khi xưa nhiều người cộng sản ban đầu đi theo cách mạng, theo Đảng nhưng thật sự họ chưa hiểu về Đảng, về cách mạng. Tuy nhiên, khi họ chứng kiến những con người cộng sản, là người của Đảng sống đẹp và chết hiên ngang vì Tổ quốc và dân tộc, họ đã vững niềm tin và đi theo. Do đó, Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các bộ cấp chiến lược có đủ đức và tài để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, để Đảng ta thật sự “là đạo đức là văn minh’. Có như vậy mới thì mới khiến cho lớp thanh niên kế cận tin tưởng, học tập và đi theo chống lại những thế lực thù địch đang chống phá cách mạng nước ta.

Ba là, nâng cao vai trò, năng lực của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị đồng thời trên hai lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. Bởi trên “mặt trận tư tưởng” thì giảng viên lý luận chính trị giống như một người “đội trưởng” giúp huấn luyện và rèn luyện các thanh niên trở thành các “chiến sĩ” chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cần xác định rằng các giảng viên lý luận chính trị là lực lượng chủ đạo, trực tiếp, hùng hậu trong giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, giúp cho họ hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều. Đồng thời, giảng viên lý luận chính trị cũng phải trực tiếp tham gia nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ngoài ra, tăng cường trẻ hóa đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, những người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện sâu rộng, kịp thời các thông tin, luận điệu, từ đó chia sẻ, viết bài, bình luận phản biện và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch nhằm tạo ra sự lan tỏa nhanh và mạnh mẽ hơn trong tầng lớp thanh niên cùng thế hệ.

Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục và định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Tiếp tục phát huy các thiết chế giáo dục của Đoàn, đa dạng hóa cách tiếp cận và truyền đạt nội dung tuyên truyền, định hướng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho đoàn viên, thanh niên. Tận dụng tối đa mặt tích cực, hiệu quả của internet, các trang mạng xã hội như facebook, zalo,…  để tạo ra các kênh thông tin chính thống, các diễn đàn trao đổi, đối thoại với thanh niên về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, các vấn đề "nóng" được dư luận xã hội quan tâm, nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tránh tình trạng “bỏ trống thông tin”, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tung những thông tin không đúng sự thật hoặc dẫn dắt dư luận xã hội trong thanh niên theo những mưu đồ chống phá.

Tập trung xây dựng, mở rộng mạng lưới các trung tâm hoạt động thanh niên, nhà văn hóa thiếu nhi... trên cơ sở nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và kinh phí xã hội hóa. Tăng cường định hướng giáo dục giá trị văn hóa thông qua các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật; thông qua việc hưởng thụ tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa; tổ chức các điểm văn hóa thanh niên theo cụm dân cư; tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa dân gian; tổ chức các cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho thanh niên.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn cần phải quan tâm phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng những đoàn viên, thanh niên có năng lực, có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao để xây dựng "lực lượng phản ứng nhanh", xung kích với nhiệm vụ rà quét, sàng lọc những thông tin tiêu cực; tích cực viết tin, bài chia sẻ, lan tỏa những thông tin tốt, đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch.

Năm là, phát huy vai trò “tự miễn dịch và đề kháng” của mỗi thanh niên. Đây là giải pháp mang tính chất quyết định tính hiệu quả trong việc nâng cao sức chiến đấu của thanh niên nhằm chống lại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Bởi xét đến cùng, mọi biện pháp kể trên chỉ có hiệu quả khi trực tiếp những “chiến sĩ” thanh niên, chủ động học tập, tiếp nhận, chuyển hóa lượng thành chất, tạo sa sức đề kháng cao trước các cách tấn công đa dạng của các thế lực thù địch. Theo đó, cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thanh niên nâng cao năng lực tự nhận thức, chỉ ra những âm mưu, thủ đoạn xấu của các thế lực thù địch đối với người thân, bạn bè; đồng thời, cũng cần có những cơ chế để khuyến khích thanh niên tích cực, chủ động phòng tránh trước những luận điệu xuyên tạc ở mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với tinh thần xung kích của tuổi trẻ.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã khẳng định: "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên". Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời cũng đứng trước những thách thức, khó khăn mới; trong vai trò là “người chủ tương lai” của đất nước, việc rèn luyện và nâng cao sức chiến đấu của thanh niên trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và liên tục; chỉ khi làm được điều này thì thanh niên mới vững vàng trở thành rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)