(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 về Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

*Về phạm vi, ranh giới quản lý: Toàn bộ địa giới hành chính huyện Hậu Lộc, bao gồm 23 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 22 xã); ranh giới như sau: (i) Phía Bắc giáp huyện Nga Sơn và huyện Hà Trung; (ii) Phía Nam giáp huyện Hoằng Hoá; (iii) Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ; (iv) Phía Tây giáp huyện Hà Trung và huyện Hoằng Hóa.

Quy mô dân số hiện trạng là 176.571 người. Dự báo dân số đến năm 2040 khoảng 200.000 người. Quy mô đất đai vùng quản lý 143,7 km2.

*Quy định về các vùng phát triển:

- Tiểu vùng 1: Vùng phát triển đô thị trung tâm (Bao gồm: Thị trấn Hậu Lộc và các xã Mỹ Lộc, Thuần Lộc, Xuân Lộc).

- Tiểu vùng 2: Vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh phía Tây. (Bao gồm: Xã Triệu Lộc và Đại Lộc).

- Tiểu vùng 3: Vùng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, năng suất cao phía Bắc. (Bao gồm: Xã Tiến Lộc, Lộc Sơn, Thành Lộc, Đồng Lộc, Phong Lộc, Tuy Lộc, Quang Lộc, Liên Lộc, Hoa Lộc, Cầu Lộc).

- Tiểu vùng 4: Vùng phát triển các ngành kinh tế biển, dịch vụ du lịch phía Đông. (Bao gồm: Xã Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Phú Lộc).

- Các vùng kiểm soát, hạn chế phát triển bao gồm: Bao gồm các khu vực đồi núi phía Tây (xã Triệu Lộc, Đại Lộc), khu vực sinh thái ven sông Trà Giang, kênh De và khu vực rừng ngập mặn ven biển xã Đa Lộc. Khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Khu vực các mỏ khai thác vật liệu xây dựng; Các khu vực đất quốc phòng an ninh hiện có và các khu đất đã được quy hoạch cho nhiệm vụ quốc phòng thời kỳ 2021-2030.

*Quy định về các không gian phát triển kinh tế:

- Không gian phát triển công nghiệp: Định hướng phát triển cụm công nghiệp huyện Hậu Lộc đến năm 2040 có 01 khu công nghiệp và 09 cụm công nghiệp, cụ thể như sau: KCN Đa Lộc quy mô 250 ha. CCN thị trấn quy mô từ 15 ha, mở rộng đến năm 2030 là 24,5 ha, đến năm 2040 là 35,2 ha, CCN Hòa Lộc quy mô 20 ha, CCN Châu Lộc quy mô 55,8 ha, CCN Song Lộc I quy mô 75 ha, CCN Song Lộc II quy mô 75 ha, CCN Quang Lộc quy mô 30 ha. CCN Liên - Hoa quy mô 40 ha (tại xã Hoa Lộc, Liên Lộc), CCN Thuần Lộc quy mô 30 ha (tại xã Thuần Lộc), CCN, làng nghề Tiến Lộc quy mô khoảng 75 ha.

+ Các vùng không gian phát triển công nghiệp phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Phát triển các CCN tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017”.

+ Quy hoạch, xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu: Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và cây xanh, đất đai và tổ chức sản xuất thuận lợi và hợp lý. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp phải đi liền với xây dựng đồng bộ các cơ sở dịch vụ, điểm dân cư, tạo điều kiện sống và làm việc cho lao động ở các cụm công nghiệp.

+ Định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề: Phục hồi các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương gắn kết phát triển về dịch vụ thương mại, du lịch.

+ Các khu vực khai thác khoáng sản thực hiện khai thác theo Luật Khoáng sản và Quy hoạch sử dụng đất huyện Hậu Lộc giai đoạn 2021-2030.

+ Quy định về dải cách ly vệ sinh: Chiều rộng dải cách ly cụm công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với các khu chức năng khác phải đảm bảo khoảng cách theo quy định tối thiểu 10 m.

+ Quy định về bãi phế liệu, phế phẩm: Bãi phế liệu, phế phẩm công nghiệp phải được rào chắn và không làm ảnh hưởng xấu tới điều kiện vệ sinh của các xí nghiệp xung quanh và không làm nhiễm bẩn môi trường. Bãi chứa các phế liệu nguy hiểm (dễ gây cháy nổ, dịch bệnh) phải có biện pháp xử lý các chất độc hại và đảm bảo khoảng cách ly.

- Không gian phát triển nông - lâm nghiệp:

+ Vùng trồng trọt: Phát triển các vùng cây trồng hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các xã vùng đồng, Tây kênh De và các xã Mỹ Lộc, Tiến Lộc, Xuân Lộc. Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 3.500 ha, vùng ngô 1.000 ha; phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung lên 350 ha, sản xuất rau an toàn tập trung lên 50 ha (tập trung ở các xã vùng đồng màu, vùng Đông kênh De và các xã Thuần Lộc, thị trấn...).

+ Chăn nuôi: Phát triển các khu trang trại tập trung trên địa bàn huyện (khu trang trại trung tại khu vực sản xuất nông nghiệp giáp ranh các xã Tiến Lộc, Lộc Sơn, Thành Lộc...). Bố trí trang trại tập trung đảm bảo khoảng các ly an toàn đến các khu vực dân cư.

+ Vùng nuôi trồng thủy, hải sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Đa Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc và Hưng Lộc (nuôi các loại hình như ngao, tôm sú, tôm... có giá trị kinh tế cao).

+ Bảo tồn và phát triển rừng, trong đó chú trọng phát triển rừng phi lao chắn cát, rừng ngập mặn khu vực ven biển.

- Không gian phát triển du lịch:

+ Khu vực phía Tây (đô thị Triệu Lộc): Phát triển du lịch tâm linh gắn với khu vực Đền Bà Triệu, cụm di tích thắng cảnh Phong Mục - Hàn Sơn.

+ Khu vực phía Đông (đô thị ven biển): Phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được công nhận (lễ hội cầu ngư) gắn với cụm di tích Diêm Phố, chùa Vích và phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực xã Đa Lộc, Hải Lộc. Phát huy du lịch khám phá trải nghiệm với hòn Nẹ đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh.

+ Xây dựng các tua, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái kết hợp với các tua tuyến du lịch của tỉnh xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với các làng nghề truyền thống.

- Không gian phát triển thương mại:

+ Định hướng về phát triển hệ thống chợ: toàn huyện có 20 chợ (gồm 02 chợ hạng II và 18 chợ hạng III, theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Định hướng về phát triển thương mại tại các khu vực đô thị (Thị trấn, đô thị ven biển, Triệu Lộc, Hòa Lộc, Thuần Lộc). Bố trí các khu thương mại tại các nút giao thông chính của các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh.

*Quy định về quản lý hệ thống đô thị:

- Giai đoạn đến năm 2025: Toàn huyện có 02 đô thị, trong đó: (i) Thị trấn Hậu Lộc: Mở rộng lấy thêm toàn bộ diện tích của xã Xuân Lộc và một phần thôn Phú Thịnh xã Phú Lộc theo quy hoạch chung thị trấn được duyệt với quy mô diện tích 1.712,8 ha, dân số 26.000 người; (ii) Hình thành đô thị ven biển: Bao gồm phạm vi các xã Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc và Minh Lộc với quy mô diện tích 2.504 ha (trong đó nghiên cứu thêm khoảng 250 ha diện tích lấn biển cải tạo bãi bồ ven biển), dân số khoảng 60.000 người.

- Giai đoạn đến năm 2030: Toàn huyện có 03 đô thị, trong đó: (i) Thị trấn Hậu Lộc; (ii) Đô thị ven biển; (iii) Hình thành đô thị Triệu Lộc: Bao gồm phạm vi các xã Triệu Lộc và Đại Lộc với quy mô diện tích 2.163 ha, dân số 18.000 người.

- Giai đoạn đến năm 2045: Toàn huyện có 04 đô thị, trong đó: (i) Thị trấn Hậu Lộc; (ii) Đô thị ven biển; (iii) Đô thị Triệu Lộc; (iv) Hình thành đô thị Hòa Lộc: Bao gồm phạm vi các xã Hòa Lộc và xã Hải Lộc. Với quy mô diện tích 1.054 ha, dân số 30.000 người.

*Quy định về quản lý hệ thống nông thôn: Các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng xã để cụ thể hóa quy hoạch vùng huyện theo quy định tại Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2019 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

Quản lý và xây dựng các xã nông thôn theo Chương trình nông thôn mới đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; xây dựng các trung tâm xã, các điểm dân cư mới tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn.

Quy định cũng quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, quy mô các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với các công trình đầu mối, các công trình hạ tầng kỹ thuật chính theo tuyến mang tính chất vùng, liên vùng và các biện pháp bảo vệ môi trường; việc bảo tồn các di sản thiên nhiên, các công trình kiến trúc có giá trị, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, văn hóa và các quy định khác theo chức năng đặc thù của vùng.

UBND huyện Hậu Lộc có trách nhiệm tổ chức thực hiện công bố, công khai quy định quản lý theo quy định. Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định và quy hoạch chung đô thị được duyệt. Tổ chức chỉ đạo UBND các xã, thị trấn theo thẩm quyền được giao, quản lý chặt chẽ, toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, phát triển cải tạo và quản lý không gian kiến trúc cảnh quan theo đúng đồ án Quy hoạch vùng huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 và quy định quản lý đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác thực hiện theo quy hoạch.

Sở Xây dựng và các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng quản lý ngành có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện Quy định này.

Quy định này được ban hành và lưu trữ tại: UBND huyện Hậu Lộc, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Hậu Lộc; các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)