(Thanhhoa.dcs.vn): Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 744/KH-MTTQ-BCĐ về triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2024.

Mục đích nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch hành động số 33-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xác định 07 nội dung thực hiện trong năm 2024, gồm:

(1) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Cuộc vận động; tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp, sinh động về Cuộc vận động trong các ngành, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, nhằm khơi dậy niềm tự hào và tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần khát vọng vươn lên của người Thanh Hóa trong sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, phố biến cho Nhân dân biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng hàng Việt Nam, hàng Thanh Hóa, quảng bá và sử dụng hàng Thanh Hóa, hàng Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(2) Khuyến khích động viên người tiêu dùng Thanh Hóa ưu tiên sử dụng hàng, sản phẩm sản xuất trong tỉnh, trong nước; các cơ sở sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên liệu, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào là sản phẩm, dịch vụ trong tỉnh, trong nước; các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội địa phù hợp với các quy định; tiếp tục đẩy mạnh, có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”; tập trung sản xuất các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi thế gắn với tiêu thụ sản phẩm.

(3) Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc; cải cách thị trường hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp.

(4) Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động kích thích thiêu dùng, tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng núi Thanh Hóa.

(5) Phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng các mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt chất lượng đến với người tiêu dùng.

(6) Phối hợp nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam trong khuôn khổ triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động giai đoạn 2021 - 2025.

(7) Tổ chức tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (giai đoạn 2009 - 2024); tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng, có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các huyện, thị xã, thành phố theo lĩnh vực công tác, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội dung, giải pháp phù họp với tình hình thực tế của đơn vị, ngành, tổ chức, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)