(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 21 tháng 02 năm 2024, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi thăm và làm việc tại huyện Như Thanh. Cùng tham gia có các đồng chí: Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, giám đốc các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông - Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống và đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Mặt trời (SunGroup) vùng Thủ đô.
(Ảnh:baothanhhoa.vn)
Sau khi kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Vạn Thiện đi Bến En; kiểm tra tiến độ xây dựng khu tái định cư phục vụ Dự án (xã Xuân Phúc) và thăm Công ty TNHH Giầy Akalia (xã Hải Long); nghe Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 25-TB/VPTU ngày 26/02/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy; nghe báo cáo tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; ý kiến của các đại biểu; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Như Thanh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 5,83%, đứng thứ 03/11 huyện miền núi. Các lĩnh vực sản xuất có bước phát triển; tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 12%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; chất lượng giáo dục luôn duy trì trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi. An ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Huyện đã chủ động làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho Nhân dân vui tết, đón Xuân Giáp Thìn 2024 với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình, qua đó củng cố, tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, tạo khí thế phấn khởi, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Bên cạnh kết quả đạt được, Huyện vẫn còn một số hạn chế, có mặt yếu kém, đó là: Kinh tế phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt thấp và rất khó hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội, như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư trên địa bàn... Tiềm năng về phát triển du lịch chưa được đầu tư và khai thác, phát huy hiệu quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng một số mặt hoạt động văn hóa - xã hội còn hạn chế; đời sống của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng còn bất cập. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên chưa cao. Tác phong, lề lối làm việc, hiệu quả giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở còn hạn chế...
Như Thanh là huyện miền núi thấp nằm ở phía Tây Nam của tỉnh. Huyện có nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, với diện tích rộng lớn, đất đai tương đối màu mỡ, vị trí thuận lợi do nằm giữa các trung tâm kinh tế động lực (Thành phố Thanh Hóa - Thành phố Sầm Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng). Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, như: Quốc lộ 45, đường Nghi Sơn - Bãi Trành, đường Vạn Thiện - Bến En. Nằm trong vùng trọng điểm du lịch sinh thái với trung tâm là Vườn Quốc gia Bến En, cùng với nhiều di tích lịch sử, danh thắng, như: Lò cao kháng chiến Hải Vân, Phủ Sung, Đền Khe Rồng, Phủ Na,… là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII; trong thời gian tới, huyện Như Thanh cần tiếp tục gìn giữ, củng cố, chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong Nhân dân; đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc của huyện thành nguồn lực, động lực để phát triển. Trước mắt, huyện cần đánh giá kỹ tiềm năng, thế mạnh, những yếu tố thuận lợi, cũng như những tồn tại, hạn chế, "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển; tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII; xác định rõ những chỉ tiêu đạt thấp, khả năng khó hoàn thành, nhất là chỉ tiêu giá trị sản xuất, thu nhập bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư… Trên cơ sở đó, phân tích làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu đã đề ra.
Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp, coi đây là nền tảng, là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững. Muốn vậy, huyện cần đẩy mạnh phát triển các trang trại, gia trại, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, phát triển rừng gỗ lớn gắn với chế biến. Tiếp tục phát triển các làng nghề và nghề truyền thống, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Rà soát, hoàn thiện các tiêu chí để 4 xã còn lại và toàn huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, hàng may mặc, da giày và vật liệu xây dựng. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Đẩy mạnh quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Chăm lo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy xã Xuân Phúc, Lễ hội Sết Bóoc Mạy người Thái xã Cán Khê, Lễ hội cúng cơm mới của người Mường xã Phượng Nghi, các trò chơi dân gian (Bắn nỏ, tung còn, đánh mảng, hát ru, khắp, hát dân ca...); phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…; đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh, nâng cao tính chuyên nghiệp, khắc phục tính mùa vụ trong dịch vụ du lịch.
Bám sát các quy hoạch của tỉnh và yêu cầu phát triển của huyện, rà soát, cập nhật, bổ sung, khớp nối, nâng tầm và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng huyện, quy hoạch cụm công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã,… Khẩn trương hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch trước ngày 31/12/2024. Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; chú trọng thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu mới và tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường; chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất...
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; huy động tối đa các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, tâm linh của quần thể các di tích, danh thắng trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục mũi nhọn. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ngay tại cơ sở. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân. Tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm phát triển đảng viên, nhất là đảng viên vùng sâu, vùng xa, đảng viên người dân tộc ít người, các đối tượng học sinh lớp 12 THPT, người lao động trong các doanh nghiệp... Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động của bộ máy chính quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Tích cực triển khai các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Trước mắt, tập trung đánh giá việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá; rà soát, tổng kết một số chuyên đề, mô hình về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng các định hướng, giải pháp lớn, lựa chọn các chương trình trọng tâm, khâu đột phá phù hợp, xác định rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước phát triển mới cho nhiệm kỳ tới…