(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hóa là vùng đất có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, một trong những cái nôi của người Việt cổ. Từ ngàn xưa, đây là một trong những trung tâm tiêu biểu của nền Văn hóa Đông Sơn với văn hóa trồng đồng đặc sắc, đã góp phần quan trọng làm kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú. Được coi là "Phên dậu" của đất nước, "Một vùng đất căn bản", “Đất bản triều”, Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt", nơi khí "tinh hoa tụ họp", nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, như: Tiền Lê, triều Hồ, triều Hậu Lê và triều Nguyễn; là đất “thang mộc” của các dòng chúa Trịnh, chúa Nguyễn; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, nhiều chí sĩ, văn nhân nổi tiếng, như: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Khương Công Phụ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Đặc biệt, Danh xưng “Thanh Hóa” có từ năm 1029 - năm Thiên Thành thứ hai, đời vua Lý Thái Tông, đến nay đã tròn 995 năm.

Trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với vị trí nằm trên trục giao lưu Bắc - Nam và Đông – Tây của đất nước, có đất đai rộng lớn, có rừng, có biển, tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số đông, nhiều bậc hiền tài có công lớn với đất nước; Thanh Hóa đã trở thành vùng đất trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự đối với khu vực và cả nước; là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và căn cứ cách mạng của nước bạn Lào. Nói về vị trí của Thanh Hóa, nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hóa lỗi lạc đã hết lời ca ngợi. Trong cuốn Lịch triều Hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: "Thanh Hóa mạch núi cao vót; sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao sát phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp nảy ra nhiều văn nho. Đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”[1].

Trong thế kỷ XX, truyền thống yêu nước, văn hóa, cách mạng của người Thanh Hóa đã tỏa sáng mạnh mẽ và đạt tầm cao thời đại mới từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời. Là địa phương có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm; tiếp sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930), Thanh Hóa là một trong số ít địa phương, có vinh dự lớn khi thành lập đảng bộ từ rất sớm. Đảng bộ tỉnh được thành lập ngày 29-7-1930. Trải qua gần 94 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thanh Hóa đã nêu cao tinh thần đoàn kết, với khẩu hiệu "cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức", "tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", vừa xây dựng hậu phương vững chắc, vừa anh dũng tham gia chiến đấu. Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết định. Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; đầu tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được"[2]. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV (năm 1952), xác định nhiệm vụ: "Phát triển sản xuất, cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ", "tích cực phục vụ tiền tuyến, bảo vệ hậu phương", "củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, đập tan âm mưu chia rẽ của quân thù"[3]. Tỉnh đã chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích, sản lượng cây trồng để tự túc lương thực cung cấp cho kháng chiến, quyết tâm đạt và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương giao. Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa lớn lao của Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần phát huy sức mạnh toàn dân nhằm nhanh chóng huy động cao nhất sức người, sức của cho Chiến dịch, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Hội đồng cung cấp và đề ra kế hoạch xây dựng hệ thống kho, trạm trên tuyến đường vận tải; huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến. Thanh niên Thanh Hóa nô nức tòng quân, tham gia thanh niên xung phong; hàng ngàn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đợt đầu, Trung ương giao cho Thanh Hóa cung cấp 1.352 tấn gạo tại Hồi Xuân, 100 tấn thực phẩm tại Sơn La. Tới đầu tháng 3/1954, Trung ương tiếp tục giao 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm, cung cấp tại Km22 đường 41. Với tinh thần "Tất cả cho Điện Biên, tất cả để chiến thắng", Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao và về trước thời gian 13 ngày. Chiến trường đòi hỏi ngày càng lớn, trung tuần tháng 4/1954, Trung ương yêu cầu Thanh Hóa cung cấp 2.000 tấn gạo, 282 tấn thực phẩm và phải hoàn thành trước ngày 31/5/1954. Lúc này, thóc gạo trong kho dự trữ của tỉnh đã vơi, Nhân dân đang ở thời điểm giáp hạt; song, không thể thiếu gạo cho chiến trường. Tỉnh đã tập trung thu vén nguồn gạo trong kho và huy động trong Nhân dân, phần còn thiếu bà con nông dân hăng hái xuống đồng cắt tỉa từng bông lúa vừa chín tới để có được 5.000 tấn thóc vận chuyển ra mặt trận. Tiếp theo vụ chiêm xuân năm 1954, Trung ương giao huy động 28.000 tấn thóc thuế nông nghiệp, nông dân Thanh Hóa đã hăng hái đóng thuế nuôi quân; toàn tỉnh thu được 34.927 tấn, vượt chỉ tiêu giao. Hàng chục ngàn xe đạp thồ, thuyền ván, thuyền nan, ngựa thồ, ô tô và người gánh bộ được huy động. Thanh niên xung phong, dân công hùng dũng vượt núi, băng đèo, lội suối, giữ xe, giữ gạo hơn cả giữ tính mạng của mình. Hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn thực phẩm đã được đưa từ miền Tây Thanh Hóa vượt hơn 500 km qua Suối Rút, Mộc Châu, sang Cò Nòi đến Sơn La, tiến thẳng tới Điện Biên. Đội xe thồ được tổ chức chặt chẽ, vượt rừng, vượt núi, bí mật đưa hàng tới đích an toàn.

Trong những đóng góp to lớn ấy, chúng ta vô cùng tự hào về những người con Thanh Hóa kiên trung và bất khuất, những hành động anh hùng, những tấm gương hy sinh cao cả, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên khúc khải hoàn ca chiến thắng mà lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc sẽ mãi khắc ghi. Đó là hình ảnh ở hậu phương của các mẹ, các chị làng Cổ Nam, xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc hằng ngày, hằng giờ muối hàng tấn dưa rau cải gửi ra tiền tuyến. Đó là hình ảnh đồng chí Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương liên tục gánh đôi bồ nặng 60kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch. Đó là hình ảnh của bà Hà Thị Dón, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa với thân hình nhỏ nhắn chưa đầy 45kg, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường đã nâng mức gùi của mình lên 70kg, đi liên tục trong đêm để sớm đến địa điểm tập kết. Đó là hình ảnh đội quân xe đạp thồ, với những chiến sĩ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc… xuất hiện ở Điện Biên như một "điều kỳ diệu" chưa từng có trong lịch sử. Đó là hình ảnh người nông dân Trịnh Đình Bầm, quê xã Định Liên, huyện Yên Định, với lòng yêu nước nồng nàn đã không chút đắn đo khi quyết định tháo dỡ chiếc bàn thờ gia tiên của gia đình mình để làm bánh xe cút kít, vận chuyển lương thực ra mặt trận.

Cùng với ra sức phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, nhiều con em Thanh Hóa đã tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường. Những người con Thanh Hóa đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công, với những tấm gương sáng ngời, như: Tô Vĩnh Diện, Trương Công Man, Lò Văn Bường, Trần Đức, Lê Công Khai... Những cống hiến của các anh, các chị cho Tổ quốc là bản anh hùng ca bất tử, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đó là những người rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho cả tỉnh mà còn vẻ vang cho cả nước non ta"[4].

Với sự lãnh đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ "lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, là hậu phương lớn nhất chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Trong điều kiện đời sống Nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", 1,2 triệu dân Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại[5]; có hơn 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác được huy động trong 3 đợt tham gia phục vụ chiến dịch. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thanh Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ đã tặng cờ thi đua khá nhất; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thanh Hóa được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng[6]. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13 - 14/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lời khen ngợi "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó"[7].

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân, với khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thanh Hóa tiếp tục giương cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng, trở thành “hậu phương lớn”, huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến. Những chiến thắng Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép,… trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, không sợ hy sinh gian khổ của quân và dân Thanh Hóa, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiếp tục là động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân Thanh Hóa. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, kinh tế của Tỉnh tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán; tốc độ tăng thu giai đoạn 2021-2023 đạt 11,3%; trong đó năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; chú trọng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt kết quả cao. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy xi-măng Đại Dương 1, Đại Dương 2, Dây chuyền 4 - Nhà máy xi-măng Long Sơn, Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa, Nhà máy may mặc Leading Star Thanh Hóa...; đồng thời, khởi công một số dự án giao thông quan trọng, như: Đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa), đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa... qua đó góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng lên; nhiều hộ gia đình nghèo nhiều năm sinh sống trên sông và ở các khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới nơi an toàn. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) năm 2023 còn 3,52%, giảm 1,47% so với năm 2022. Các sự kiện lớn của Tỉnh được tổ chức thành công; nhiều dấu ấn về văn hóa, giáo dục, thể thao đạt các danh hiệu quán quân của cả nước, đã tạo sức lan toả mạnh mẽ, được dư luận và Nhân dân khen ngợi, đánh giá cao. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành bạn được tăng cường.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân được tăng cường; uy tín, vị thế của tỉnh được nâng cao, niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được củng cố. Những kết quả nêu trên, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để tỉnh ta vững vàng trên hành trình hướng tới "khát vọng thịnh vượng".

Thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030: "Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Tầm nhìn đến năm 2045, "Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước". Định hướng trên thể hiện sự quan tâm sâu sắc, kỳ vọng lớn lao của Trung ương đối với Thanh Hóa; đồng thời cũng là mục tiêu khát khao của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết; trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đoàn kết, thống nhất là việc ưu tiên nhất, là phương pháp đặc biệt quan trọng trong đấu tranh cách mạng và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành; Thông báo số 504/TB-VPCP ngày 05/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định và trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng chính theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa (bao gồm cả khu vực mở rộng huyện Đông Sơn), quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết tại các khu vực phát triển nhanh, dọc các tuyến đường giao thông lớn, các tuyến giao thông chính. Tập trung rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư phát triển.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao. Đổi mới phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; rà soát, sắp xếp dân cư ở những khu vực thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, bố trí nơi ở ổn định cho đồng bào sinh sống trên sông; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…

Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.

Trước mắt, tập trung cao cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; trọng tâm là xây dựng các văn kiện Đại hội với những định hướng chiến lược cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo. Chủ động chuẩn bị vững chắc đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ mới, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị./.

 

[1] Lịch triều Hiến chương loại chí, Nxb Trẻ, 2014, tập 1, trang 70.

[2] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2016, Tập 5, tr. 323.

[3] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930 - 1954, Chương VII, tr. 250.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật - Hà Nội, 1987, tập VII, trang 686.

[5] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930 - 1954, Chương VII, trang 276.

[6] Có 05 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, gồm: Tô Vĩnh Diện, Trương Công Man, Lò Văn Bường, Trần Đức, Lê Công Khai.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tập 8, trang 400