Chiều 13/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Thường trực Tỉnh ủy 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã có buổi làm việc để trao đổi và thống nhất về việc triển khai tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Toàn cảnh buổi làm việc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.
Dự buổi làm việc về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Hòa Bình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm trình bày Phương án đầu tư dự án Đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình.
Tạo kết nối liên vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại thông báo số 504/TB-VPCP, ngày 5/12/2023 của Văn phòng Chính phủ và nhằm phát triển hệ thống giao thông kết nối, phát triển liên kết vùng, lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đã nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình).
Dự án có chiều dài tuyến 88,5km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa khoảng 69km và đoạn qua tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 19,5km. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.400 tỷ đồng; trong đó: đoạn qua tỉnh Thanh Hoá khoảng 8.500 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Hòa Bình khoảng: 6.900 tỷ đồng.
Việc đầu tư, xây dựng tuyến đường giao thông này sẽ hình thành trục giao thông chính kết nối liên vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ; từng bước hoàn thiện trục giao thông quan trọng liên kết vùng theo hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ đường ven biển, Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, Quốc lộ 6, đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/02/2023; kết nối các tỉnh từ vùng núi phía Tây Bắc tổ quốc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) đến vùng biển Bắc Trung bộ có hệ thống cảng biển, cảng hàng không lớn (Thanh Hóa, Nghệ An); tạo động lực cho phát triển du lịch, lưu thông hàng hóa thông qua hệ thống logistics; hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tại mỗi địa phương, tăng cường sức mạnh an ninh - quốc phòng.