(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đứng thứ 3 cả nước (sau các tỉnh: Quảng Nam và Nghệ An) với trên 647.373 ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên. Theo quy hoạch 3 loại rừng, Thanh Hóa có trên 80.437 ha rừng đặc dụng; 157.069 ha rừng phòng hộ; 409.894 ha rừng sản xuất; độ che phủ rừng đến cuối năm 2023 đạt 53,75%. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, rừng trên địa bàn tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, với khoảng 2.526 loài thuộc 602 chi, 223 họ, 12 lớp, 06 ngành thực vật bậc cao trên cạn; 255 loài côn trùng, 290 loài thuộc 173 giống chim, 111 loài thuộc 66 giống thú, 62 loài thuộc 25 giống lưỡng cư và 98 loài bò sát; trong đó, có 28 loài (gồm 05 loài thực vật và 23 loài động vật) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ghi nhận đã xuất hiện trong rừng đặc dụng cần được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt; các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, gồm: 146 loài thực vật bậc cao trên cạn, 16 loài thực vật rừng ngập mặn, 04 loài côn trùng, 30 loài chim, 34 loài thú, 49 loài lưỡng cư và 21 loài bò sát.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng”, Luật Lâm nghiệp năm 2017, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong toàn tỉnh năm 2022 là 279 vụ (giảm 56 vụ so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,71%), năm 2023 là 236 vụ (giảm 43 vụ so với cùng kỳ, tương ứng giảm 14,4%); khối lượng gỗ, lâm sản, động vật rừng bị bắt giữ, xử lý năm sau giảm gần 20% so với năm trước; toàn tỉnh không có các tụ điểm, “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 42.381 ha rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn 146 xã, phường, thị trấn. Các cấp, các ngành đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức 385 hội nghị tuyên truyền với 2.526 lượt người tham gia; tổ chức 65 cuộc tuyên truyền lưu động, cổ động; tuyên truyền trên loa phát thanh cấp xã, thôn 2.983 lần; lắp đặt 11 trạm camera quan sát có độ phân giải cao để tự động phát hiện sớm các đám cháy rừng; tổ chức tuần tra canh gác tại 54 điểm trực gác lửa rừng ở các khu rừng trọng điểm cháy khi dự báo cấp cháy rừng từ cấp III trở lên. phối hợp với các địa phương phát dọn và đốt trước vật liệu cháy có kiểm soát dưới tán rừng được 61,6 ha, làm mới và tu sửa đường băng cản lửa rừng được 50,1 km, tập trung ở khu vực có nguy cơ cháy cao tại thị xã Nghi Sơn và các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Hà Trung, Hoằng Hóa, Như Thanh. Công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ" từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, đến nay đã chuẩn bị lực lượng được 57.166 người (trong đó: cấp tỉnh 800 người, cấp huyện 3.734 người, cấp xã/chủ rừng 12.036 người, cấp thôn 40.596 người), huy động 24.997 phương tiện các loại và 45.829 máy móc, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khác.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất hiện đang do các hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ được hưởng rất ít hoặc không được hưởng kinh phí hỗ trợ; trong khi đời sống người dân sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến ở một số nơi, người dân không quan tâm bảo vệ rừng, để rừng bị phá, bị khai thác trái pháp luật, cá biệt có trường hợp cố tình chặt phá cây rừng, làm nghèo rừng tự nhiên để lấy đất trồng các loại cây khác…

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)