(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), đạt kết quả tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 415.300 lao động, trong đó: Có 28 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, sử dụng 13.658 lao động; 103 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng 184.020 lao động và 20.869 doanh nghiệp dân doanh, sử dụng 217.622 lao động. UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và đi vào vận hành hệ thống quan hệ lao động mới phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà Việt Nam đã cam kết đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 130.466 lượt người lao động bị mất việc làm; 100% người lao động bị mất việc làm đều được tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí. Hằng năm có trên 20.000 lượt người lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động thông qua các lớp tập huấn, buổi tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu dân cư, khu nhà trọ và tại các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đã biên soạn, in ấn hàng trăm nghìn tờ rơi, tài liệu, cẩm nang pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội để cấp phát miễn phí cho người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh…

Các thiết chế hòa giải và trọng tài lao động được quan tâm xây dựng, củng cố; Chủ tịch UBND tỉnh đã bổ nhiệm 134 hòa giải viên lao động, quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh gồm 18 thành viên. Từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 253 doanh nghiệp; quyết định xử phạt vi phạm hành chính 37 doanh nghiệp, tổng số tiền thu phạt gần 1,8 tỷ đồng; qua đó giúp các doanh nghiệp khắc phục những vi phạm, đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người lao động, phòng ngừa các tranh chấp, mâu thuẫn. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 11 vụ đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật. Đến nay, tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động trong tổng số lao động thuộc diện phải ký kết hợp đồng lao động đạt 96%.

Toàn tỉnh hiện có 867 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (chiếm 15,03%); trong đó, 100% doanh nghiệp Nhà nước và 79,36% doanh nhiệp ngoài khu vực Nhà nước đã tổ chức hội nghị người lao động. Số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 95,96%; trong đó, có 98% bản thỏa ước lao động tập thể có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã kết nạp mới 112.466 đoàn viên (vượt 124,9% kế hoạch); thành lập 498 công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước (vượt 166% đạt); tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt 96,94%. Đến nay, 100% cán bộ Công đoàn chuyên trách, cán bộ Công đoàn cơ sở đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; 78,47% cán bộ Công đoàn không chuyên trách có trình độ Đại học và trên Đại học.

Tuy nhiên, hoạt động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Vẫn còn một số ít doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động. Việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động ở khối doanh nghiệp dân doanh chưa đầy đủ...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)

Tin đã đăng