(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 14326/UBND-VX về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Công văn nêu rõ:

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo - Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; Công điện số 905/CĐBGDĐT ngày 10/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức dạy học ứng phó diễn biến dịch Covid-19.

- Triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo, nhất là ở những địa bàn có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến; nâng cao năng lực cho giáo viên về tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và đào tạo từ xa, đảm bảo hiệu quả, chất lượng; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của các phương thức này; khuyến khích các hình thức dạy học trực tuyến tích hợp hệ thống quản lý dạy học và quản lý nội dung dạy học. Quan tâm sâu sát, cụ thể đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6.

- Chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp với gia đình trong việc hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến; thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người", thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

- Phối hợp với các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu học tập học sinh, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến; hoàn thành trước ngày 30/9/2021.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra, đánh giá sang hình thức trực tuyến cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.

- Xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.

- Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đảm bảo quy định việc sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 của UBND tỉnh.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, theo dõi và quản lý chặt chẽ sức khỏe của người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù, đặc biệt là hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, đường truyền, thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến; tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục việc hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiết bị học trực tuyến, từ các nguồn huy động hợp pháp và thông qua các hình thức xã hội hóa giáo dục; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/9/2021.

2. Sở Y tế - Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các nhà trường.

- Chủ động xây dựng phương án, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (người dưới 18 tuổi) theo quy định.

- Tham mưu cho Bộ Y tế cấp bổ sung vắc xin đủ tiêm cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định.

3. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tham mưu đề xuất giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan, chủ động tuyên truyền, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, ngăn ngừa các nội dung, thông tin xấu, độc trên không gian mạng, các yếu tố an ninh phi truyền thống và bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, phối hợp chặt chẽ và tham mưu cho chính quyền địa phương huy động các nguồn lực, với các hình thức hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên, cơ sở giáo dục trong khu vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

6. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố - Kiểm tra việc chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn quản lý; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Đối với các địa phương đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phải tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh để triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; trước mắt, tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, trong quá trình áp dụng hình thức học trực tuyến, chủ động rà soát, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn, không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến; đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học, vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành nghiêm quy định về giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội.

- Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

- Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi địa bàn sinh sống do tác động của dịch Covid-19.

- Nghiên cứu tăng cường số lượng, chất lượng hệ thống trường bán trú để duy trì, phát triển mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương.