(Thanhhoa.dcs.vn): Thanh Hoá có bờ biển dài 102 km, vùng lãnh hải rộng trên 17.000 km2; có 07 cửa lạch, trong đó có 03 cửa lạch lớn là lạch Trường, lạch Hới và lạch Bạng, rất thuận lợi cho tàu, thuyền đánh cá ra vào. Tỉnh hiện có 08 cảng cá và 04 khu neo đậu phục vụ cho tàu cá cập cảng, neo đậu tránh trú bão, với tổng sức chứa trên 2.000 tàu cá. Toàn tỉnh có 6.057 tàu cá, với khoảng 24.500 lao động tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển; có 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản với tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm, trong đó có 05 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngư dân trong tỉnh không chỉ khai thác trong ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ, mà còn khai thác tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vùng Nam bộ,...
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban Châu Âu về Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với Việt Nam; trong những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác IUU; trong đó công tác tuyên truyền, vận động được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân và các tầng lớp Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật thủy sản nói chung và chống khai thác IUU nói riêng.
Tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo IUU tại 06 huyện, thị xã, thành phố ven biển; thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại 03 cảng cá chỉ định cho tàu 15m trở lên cập cảng; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống khai thác IUU; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật chống khai thác IUU.
Các ban, sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về chống khai thác IUU. Các xã, phường khu vực hoạt động nghề cá và các ban quản lý cảng cá thường xuyên phát trên hệ thống loa truyền thanh với tần suất 1 - 2 lần/ngày để tuyên truyền đến người dân, ngư dân trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã, thôn tại các địa phương có biển đã giao trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp đến từng hộ gia đình ngư dân để tuyên truyền, vận động, cấp phát tài liệu, sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân; quán triệt và yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác và thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU. Trong triển khai thực hiện, đã xuất hiện những cách làm hay, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, đạt hiệu quả cao, như: Vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân tăng cường tuyên truyền, chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống trên mạng xã hội; thành lập các nhóm zalo của Tổ đoàn kết trên biển, các tàu dịch vụ thu mua... Đối với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, các địa phương đã trực tiếp phổ biến nội dung và các cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các yêu cầu kỹ thuật, quy định thực tiễn về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do...
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã giúp ngư dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh và khai thác hải sản, chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước, công ước quốc tế.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; các tàu cá chấp hành nghiêm quy định về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản; 100% tàu cá có đăng ký đã được cập nhập vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 95,8% tàu cá đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 97,8% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền và ý thức chấp hành pháp luật thuỷ sản vẫn còn những hạn chế. Việc chấp hành quy định duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi khai thác thủy sản trên biển của một bộ phận ngư dân chưa nghiêm túc, chưa vào cảng cá chỉ định để bốc dỡ sản phẩm; nhiều chủ tàu cá nhỏ, hoạt động ven bờ chưa thực hiện đầy đủ việc ghi nộp báo cáo khai thác thủy sản; việc ghi nhật ký khai thác thủy sản có lúc chưa chính xác. Một số tàu cá hoạt động thường xuyên ở tỉnh ngoài, hải đảo trong một thời gian dài không về địa phương dẫn đến chưa tiếp cận kịp thời các thông tin tuyên truyền, khó khăn cho lực lượng chức năng khi xác minh, xử lý. Công tác xử lý vi phạm chưa đồng đều ở các địa phương, dẫn đến tình trạng khi xử lý mạnh thì tàu cá không cập cảng của tỉnh mà chuyển sang cập cảng, bốc dỡ sản phẩm tại các bến cá tư nhân, tự phát ở nơi khác.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, bảo đảm phát triển thuỷ sản bền vững; tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.
Hai là, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ thủ tục và duy trì thiết bị giám sát tàu cá theo quy định. Tập trung rà soát xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không có giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác.
Ba là, huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng quy định.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại sản xuất và gắn kết chặt chẽ ở tất cả các lĩnh vực từ khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Năm là, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định về IUU; chú trọng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định IUU. Phát huy vai trò của người có uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng ngư dân; mở rộng hoạt động của Tổ đoàn kết trên biển để kịp thời thông tin về các quy định chống khai thác IUU, đồng thời hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố.