Chiều 22/4, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày những nội dung chủ yếu Chỉ thị 32 của Ban Bí thư.
Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, nêu rõ: Những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.
Để đẩy mạnh công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trình bày chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trình bày chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư nhằm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã nêu lên những kết quả đạt được trong quá trình công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Đồng thời nêu lên những cách làm hay trong phát triển thủy hải sản; việc đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tham luận với hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km, vùng lãnh hải rộng trên 17.000 km2... Toàn tỉnh có 6.057 tàu cá, với khoảng 24.500 lao động tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển; có 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản với tổng công suất khoảng 280.000 tấn/năm, trong đó có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngư dân trong tỉnh không chỉ khai thác trong ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ, mà còn khai thác tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, vùng Nam Bộ,...
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với Việt Nam; tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác IUU; trong đó công tác tuyên truyền, vận động được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân và các tầng lớp Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật thủy sản nói chung và chống khai thác IUU nói riêng...
Trong triển khai thực hiện, đã xuất hiện những cách làm hay, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, đạt hiệu quả cao, như: Vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân tăng cường tuyên truyền, chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống trên mạng xã hội; thành lập các nhóm zalo của Tổ đoàn kết trên biển, các tàu dịch vụ thu mua... Đối với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, các địa phương đã trực tiếp phổ biến nội dung và các cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các yêu cầu kỹ thuật, quy định thực tiễn về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do...
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã giúp ngư dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh và khai thác hải sản, chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước, công ước quốc tế.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; các tàu cá chấp hành nghiêm quy định về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản; 100% tàu cá có đăng ký đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 95,8% tàu cá đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 97,8% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản...
Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, bảo đảm phát triển thủy sản bền vững. Trong đó sẽ khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ thủ tục và duy trì thiết bị giám sát tàu cá theo quy định. Tập trung rà soát xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không có giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng quy định.
Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Như Xuân.
Đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại sản xuất và gắn kết chặt chẽ ở tất cả các lĩnh vực từ khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định; chú trọng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định IUU. Phát huy vai trò của người có uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng ngư dân; mở rộng hoạt động của Tổ đoàn kết trên biển để kịp thời thông tin về các quy định chống khai thác IUU, đồng thời hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa cam kết thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và chương trình hành động của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, cần phải có chính sách để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước đối với quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa sau hội nghị.
Ngay sau hội nghị của Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các đại biểu tại điểm cầu Tỉnh ủy và điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chống khai thác IUU, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã thông tin nhanh tới các đại biểu về một thuyền khai thác hải sản của ngư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị nạn trên biển từ chiều 21/4. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy gửi lời thăm hỏi, động viên đến các gia đình ngư dân gặp nạn và cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương liên quan khẩn trương tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với các nạn nhân.