(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 284/QĐ-UBND về Chương trình công tác tư pháp năm 2022. Theo đó, trên cơ sở chương trình công tác của Bộ Tư pháp và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Chương trình công tác tư pháp năm 2022 bao gồm những nhiệm vụ trọng tâm:
- Về công tác chỉ đạo điều hành: Tiếp tục chỉ đạo ngành Tư pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Nghị quyết số 173/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và Chương trình công tác năm 2022 của Bộ Tư pháp. Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển kinh kế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đổi mới, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình công tác tư pháp năm 2022. Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong hoạt động của Ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác tư pháp ở cơ sở.
- Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Tiếp tục đề xuất và thực hiện quyết liệt các giải pháp để triển khai hiệu quả Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tham gia ý kiến văn bản, trong đó chú trọng tới tính hợp pháp, tính khả thi của các chính sách do tỉnh ban hành để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản và chú trọng việc xử lý văn bản sau khi có kết luận kiểm tra. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức...
- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch 211-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân; tạo sự chuyển biến thực sự công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong năm 2022. Phổ biến kịp thời và đầy đủ các luật mới được thông qua đến cán bộ, công chức và nhân dân. Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và tổng kết 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp; chú trọng công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên…
- Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật: Tổ chức triển khai thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 32/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tiến hành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 theo Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2022…
- Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý: Triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp; Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Quyết định 1373/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch 264/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp năm 2020. Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; trong đó chú trọng công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản bằng hình thức đấu giá trực tuyến.
- Công tác xây dựng ngành, thi đua khen thưởng: Tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai hiệu quả đề án vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng: Triển khai, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng Kế hoạch công tác năm 2022 đã được phê duyệt; chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản quyền sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp; giải quyết kịp thời, dứt điểm, có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
- Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin: Đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của ngành; nâng cấp, mở rộng, phát triển, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng chuyên ngành. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành Tư pháp; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, tập trung vào việc chuyển đổi số ở các lĩnh vực công chứng, chứng thực, hồ sơ dữ liệu hộ tịch. Thực hiện có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh…