(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 06 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, gồm: Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát là huyện nghèo giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của UBND tỉnh: giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa có 07 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (đến năm 2018 huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo); 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 100 xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi và dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực các huyện nghèo nói riêng, công tác hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,17%/năm, thuộc nhóm các huyện nghèo và tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước; sản xuất từng bước phát triển, vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện rõ rệt; nhận thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo không ngừng được cải thiện; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin và truyền thông được các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn... Đến nay, toàn tỉnh còn 06 huyện nghèo, 03 xã bãi ngang và 20 xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi và dân tộc thiểu số (các xã bãi ngang thoát khỏi tỉnh trạng đặc biệt khó khăn là do lên phường và về đích nông thôn mới).

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực, nhưng do đặc thù nằm trong khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, phong tục tập quán còn lạc hậu nên công tác giảm nghèo tại các huyện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Hạ tầng cơ sở tại các huyện chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; vẫn còn 35 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 05 huyện miền núi chưa có điện lưới quốc gia; mức thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo mới chỉ bằng 0,55 lần bình quân chung toàn tỉnh; chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo giữa các huyện nghèo và toàn tỉnh không được thu hẹp mà có xu hướng ngày càng tăng lên (đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo cao gấp 2,3 lần so với bình quân toàn tỉnh; cuối năm 2020 tỷ lệ này là 3,37 lần); còn một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% (các xã Nhi Sơn, Mường Lý, Trung Lý của huyện Mường Lát); nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo vẫn còn diễn ra...

Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là: Các huyện nghèo đều thuộc khu vực miền núi vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; phong tục tập quán còn lạc hậu; chính sách hỗ trợ giảm nghèo do Trung ương ban hành còn phân tán, mức hỗ trợ thấp (vốn Trung ương phân bổ mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các huyện theo Đề án được phê duyệt), chưa khuyến khích sự tham gia, trách nhiệm của người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo; một số chính sách, dự án giảm nghèo chưa cân đối, bố trí đủ nguồn lực, mức hỗ trợ còn thấp đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu của Chương trình; công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách giảm nghèo cho Nhân dân, đặc biệt là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức...

Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở hồ sơ tự rà soát, đánh giá chấm điểm các tiêu chí xác định huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 của các huyện và báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chính phủ phê duyệt danh sách 06 huyện: Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát là huyện nghèo giai đoạn 2021-2025.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)