(Thanhhoa.dcs.vn): Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các hoạt động phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện đảm bảo hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác trẻ em; xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại để giúp các em sớm ổn định tâm lý, duy trì học tập và hòa nhập cộng đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; vận động xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; duy trì và nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các đối tượng xâm hại trẻ em; tiếp tục thông tin, phổ biến rộng rãi về Đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ xử lý, giải quyết các vấn đề về trẻ em (Tổng đài điện thoại quốc gia - 111 và Tổng đài điện thoại Ngôi nhà Ánh Dương - số 18001744, tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa) để người dân liên hệ khi có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, can thiệp bạo lực học đường; phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trong theo dõi, giám sát, hỗ trợ, can thiệp và phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực học đường; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, không thông tin kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đến cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ và các thành viên về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình về kỹ năng phát hiện, xử lý khi trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục; thực hiện các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa xâm hại trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa và việc tổ chức các hoạt động văn hóa cho trẻ em; chủ trì, phối hợp xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến trẻ em do ngành quản lý.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng thời lượng phát sóng các chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là về phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; lên án các hành vi xâm hại trẻ em; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và gia đình của trẻ em bị xâm hại khi đưa tin, bài; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, thông tin trên mạng internet và các cơ sở cung cấp dịch vụ internet cho trẻ em nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, thay đổi hành vi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội tại cộng đồng; phối hợp đôn đốc các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; thường xuyên phối hợp, lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trong các chương trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, điều trị, tư vấn tâm lý kịp thời cho trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; chỉ đạo Trung tâm Pháp y tỉnh kịp thời giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị xâm hại.

Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm hại trẻ em đang tồn đọng (nếu có); kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc xâm hại trẻ em; hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng Công an các cấp về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và các cơ quan, đơn vị cùng cấp có liên quan trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến xâm hại trẻ em; đẩy nhanh tiến độ và xét xử nghiêm minh, kịp thời nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung; chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em đúng quy định của pháp luật.

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức thành viên khác, theo chức năng nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân quan tâm, chăm lo, bảo vệ trẻ em; kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác, lên án mạnh mẽ các hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền đến cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình tăng cường trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em và tập trung xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; rà soát, kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em cấp xã; hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị xâm hại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về trẻ em và quan tâm hỗ trợ, can thiệp trợ giúp kịp thời cho trẻ em khi bị xâm hại. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc gây bạo lực, xâm hại trẻ em; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại; xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)