(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện sáp nhập, đổi tên các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; góp phần tinh giản đầu mối và tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDNN hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trong đó, đã tập trung triển khai Đề án “Sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý”; thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa vào Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa vào Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa và đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Thực hiện đổi tên, sáp nhập 24 trung tâm cấp huyện thành trung tâm GDNN-GDTX; sáp nhập 03 trung tâm GDTX vào trường trung cấp nghề.
Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN, tăng 15 cơ sở so với năm 2015, trong đó: Có 11 trường cao đẳng (06 trường công lập, 05 trường tư thục); 15 trường trung cấp (10 trường công lập, 05 trường tư thục); 32 trung tâm GDNN (24 trung tâm GDNN - GDTX công lập cấp huyện, 02 trung tâm công lập thuộc tổ chức chính trị - xã hội, 01 trung tâm của Hội Người mù tỉnh và 05 trung tâm tư thục); 05 doanh nghiệp, hợp tác xã và 03 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Chất lượng đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Hiện nay, tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý tại 66 cơ sở GDNN là 1.801 người, trong đó: Có trình độ tiến sỹ 21 người, thạc sỹ 372 người, đại học 894 người, cao đẳng 176 ngườ, trung cấp và trình độ khác 338 người.
Hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, tiêu biểu như: (1) Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp đã đào tạo và cung ứng lao động theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Lilama 18, Công ty Cổ phần Lilama 69-1, Công ty Cổ phần Lilama 5, Công ty Cổ phần Coma 17 với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. (2) Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn đã ký kết đào tạo nghề cho công nhân Nhà máy May xuất khẩu Như Thanh, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất. (3) Trường Trung cấp nghề Nga Sơn ký kết các hợp đồng thực tập và bố trí việc làm cho học sinh tốt nghiệp làm nghề may thời trang tại Công ty Cổ phần May Winner Vina (huyện Nga Sơn) với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng; đào tạo, cung ứng lao động các nghề hàn, điện công nghiệp, điện dân dụng, điện lạnh cho Công ty Cổ phần Lilama 5 (thị xã Bỉm Sơn) với mức thu nhập bình quân từ 6,5-8 triệu đồng/tháng, Công ty Cổ phần Lilama 18 với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng, Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Việt Hưng (huyện Nga Sơn) với mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/tháng...