(Thanhhoa.dcs.vn): Với lợi thế về nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét dồi dào, cùng hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, cảng biển ngày càng hoàn thiện; trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm về công nghiệp xi măng, như: Nhà máy Xi măng Long Sơn (04 dây chuyền, công suất 9,2 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 16.600 tỷ đồng); Nhà máy Xi măng Đại Dương (02 dây chuyền, công suất 4,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng), hiện đang đề xuất đầu tư mở rộng thêm các dây chuyền số 3, 4 với công suất 4,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Dây chuyền 1 Nhà máy Xi măng Công Thanh lên 12.500 tấn clinker/ngày, tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng. Các dự án đều được triển khai tại địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn để thuận tiện cho việc khai thác nguyên liệu, xử lý môi trường cũng như vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa các dự án Xi măng Thanh Sơn (huyện Ngọc Lặc) và Xi măng Hoàng Sơn (huyện Nông Cống) ra khỏi quy hoạch do công suất thấp, hiệu quả không cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực dự án.
Đến nay, toàn tỉnh có 05 dự án xi măng với tổng công suất đăng ký đầu tư lên đến 36,5 triệu tấn/năm; trong đó, có 04 dự án với 09 dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động, gồm: Xi măng Vicem Bỉm Sơn (2 dây chuyền, công suất 3,8 triệu tấn/năm); Xi măng Nghi Sơn (2 dây chuyền, công suất 4,3 triệu tấn/năm); Xi măng Công Thanh (2 dây chuyền, công suất 4,75 triệu tấn/năm) và Xi măng Long Sơn (3 dây chuyền đầu, công suất 6,9 triệu tấn/năm); dự kiến cuối năm 2022, sẽ tiếp tục đưa vào vận hành Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn và Dây chuyền 1- Xi măng Đại Dương. Tổng sản lượng sản xuất xi măng, clinker toàn tỉnh năm 2021 đạt 27,2 triệu tấn; quý I năm 2022 sản lượng xi măng đạt 4,46 triệu tấn, tăng 8,7%; sản lượng clinker đạt 2,90 triệu tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Xi măng tiếp tục là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh với công suất và sản lượng đứng đầu cả nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với đó, công tác cải tiến công nghệ và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất xi măng cũng được các nhà máy quan tâm, chú trọng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Các dự án đều áp dụng công nghệ sản xuất lò quay phương pháp khô có hệ thống trao đổi nhiệt, là công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến và thông dụng nhất hiện nay; các thiết bị chính, quan trọng, như: lò nung, máy nghiền được chế tạo bởi các hãng sản xuất nổi tiếng thế giới, như Polysius, FL.Smith, Loesche, Kawasaki.... Hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát khí thải, bụi, tiếng ồn trong sản xuất được đầu tư hoàn thiện và được kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên. Đặc biệt, tất cả các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đều đã và đang triển khai đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nguồn nhiệt dư. Đối với các nhà máy mới đầu tư gần đây, như: xi măng Long Sơn, xi măng Đại Dương, xi măng Công Thanh, hệ thống phát điện nhiệt dư gắn với dây chuyền sản xuất được tính toán, triển khai ngay từ khâu thiết kế dự án (các dự án xi măng Long Sơn, xi măng Đại Dương sử dụng các module phát điện nhiệt dư công suất 7,5 MW/01 dây chuyền sản xuất; xi măng Công Thanh sử dụng 02 máy phát điện nhiệt dư công suất 3MW và 12,5 MW cho mỗi dây chuyền); các nhà máy đã đầu tư từ những năm trước, như xi măng Bỉm Sơn, xi măng Nghi Sơn đã được Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch và đang thực hiện đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư công suất 14 MW và 20 MW. Giải pháp này giúp các nhà máy giảm thiểu 20 - 25% lượng điện năng tiêu thụ, hạn chế lượng bụi xả thải ra môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp xi măng của tỉnh Thanh Hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Thị trường xi măng trong nước cung vượt cầu ở mức cao; các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh khốc liệt về thị trường tiêu thụ với các nhà máy ở các địa phương trên toàn quốc; áp lực tăng chi phí sản xuất do các nguyên liệu sản xuất đầu vào, như: than, xăng dầu, bao bì,... đều có xu hướng tăng; hạ tầng cảng biển chậm được hoàn thiện nên chưa tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí logistics. Trên địa bàn tỉnh không có nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các cấu kiện bê tông chất lượng cao để tận dụng lợi thế nguồn cung xi măng dồi dào, gia tăng giá trị sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.