(Thanhhoa.dcs.vn): Tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Công Thương phê duyệt và bổ sung quy hoạch 22 dự án thủy điện, với tổng công suất 832 MW. Trong đó, có 11 dự án đã hoàn thành, đang vận hành khai thác, gồm các nhà máy thủy điện: Cửa Đạt, Dốc Cáy, Bái Thượng và Xuân Minh (huyện Thường Xuân); Bá Thước 1 và Bá Thước 2 (huyện Bá Thước); Trung Sơn và Thành Sơn (huyện Quan Hóa); Cẩm Thủy 1 (huyện Cẩm Thủy); Trí Năng (huyện Lang Chánh); Trung Xuân (huyện Quan Sơn). Nhìn chung, các công trình thủy điện trong thời gian qua được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, giám sát vận hành hiệu quả, an toàn, đóng góp tích cực vào nguồn điện lưới quốc gia, cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân vùng hạ du.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ sở hữu đập thủy điện, hồ chứa thủy điện thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, hạn chế thấp nhất các rủi ro, sự cố gây mất an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ sở hữu đập, hồ chứa thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tăng cường kiểm tra công tác an toàn đập của công trình thủy điện trước, trong và sau các đợt mưa lũ trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai. Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác, vận hành công trình. Hiện nay, 11/11 công trình đập thủy điện, hồ chứa thủy điện đã được cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ an toàn; đã lắp đặt thiết bị quan trắc tại vị trí thượng lưu và hạ lưu nhằm dự báo sớm về tình hình thời tiết, thủy văn để có phương án ứng phó kịp thời. Có 09/11 công trình thủy điện đã lắp đặt hệ thống camera giám sát vận hành, truyền tín hiệu về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của tỉnh (gồm: các thủy điện Trung Sơn, Thành Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1, Xuân Minh, Cửa Đạt, Bái Thượng, Trung Xuân); có 03/11 công trình thủy điện đã lắp đặt hệ thống cảnh báo vùng hạ du (gồm thủy điện Trung Sơn, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1).
Công tác chuẩn bị các phương án, điều kiện đảm bảo an toàn các công trình thủy điện trong mùa mưa lũ năm 2022 được các ngành, địa phương, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện quan tâm phối hợp thực hiện. Chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung phương án bảo vệ an toàn hồ, đập; phương án ứng phó thiên tai; tổ chức rà soát, điều chỉnh các Quy trình vận hành phù hợp với Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực Sông Mã; xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các hồ chứa trên cùng lưu vực trong vận hành, điều tiết xả lũ. Hoàn thiện phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và vùng hạ du; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị thực hiện tốt phương án phòng thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quan trắc mưa để tính toán, dự báo chính xác lưu lượng nước đến các hồ chứa độ chính xác chưa cao; do chưa có cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nên chủ đầu tư các công trình đập, hồ chứa thủy điện không có cơ sở để lập, phê duyệt Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, đồng thời khai thác dữ liệu phục vụ tốt hơn công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa. Trước tình hình đó, ngày 08/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phải chủ động và tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2022. Trong đó, yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát theo quy định; chấp hành chế độ thông tin, cảnh báo đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi xả nước phát điện, xả lũ. Chỉ đạo Sở Công thương khẩn trương phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc rà soát, thẩm định và phê duyệt Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp của các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện để tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du trên địa bàn tỉnh.