(Thanhhoa.dcs.vn): Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018. Sau khi đề án được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung của đề án, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch hoặc ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện các quy định về văn hóa công vụ; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế làm việc đảm bảo phù hợp, nhằm ngăn ngừa những vi phạm về văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; chú trọng việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng trong tập thể lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2019 đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị có liên quan và 42 lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về văn hóa công sở, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, với sự tham dự của gần 4.500 học viên. Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt và cấp kinh phí tổ chức 22 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về văn hóa công sở, đạo đức công vụ cho 2.500 cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn chung, công tác phổ biến, tuyên truyền về đề án được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện văn hóa công vụ được tăng cường. Từ năm 2018 đến nay, đã tiến hành kiểm tra tại 09 đơn vị cấp sở, 21 đơn vị cấp huyện và 35 đơn vị cấp xã; đã lồng ghép việc kiểm tra kỷ luật, kỷ cương với công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và giám sát tiến độ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại 27/27 đơn vị cấp huyện; kiểm tra tình hình thực hiện kỷ luật, kỷ cương trước và sau Tết Nguyên đán tại 03 đơn vị cấp huyện. Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra công vụ của tỉnh, dự kiến kiểm tra tại 08 sở, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, 09 đơn vị cấp huyện và 12 đơn vị cấp xã. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch và lồng ghép việc kiểm tra định kỳ, đột xuất về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính với kiểm tra công tác chuyên môn, kiểm tra cải cách hành chính nhằm phát hiện các vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; lấy kết quả thực hiện phong trào làm một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của mỗi đơn vị, cá nhân, làm cơ sở cho việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Việc triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, trang phục của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn với xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, tận tụy phục vụ Nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện văn hóa công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và cơ cấu phù hợp, đảm bảo về số lượng và chất lượng; góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai đề án ở một số cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên, liên tục, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn hạn chế về nhận thức, thiếu ý chí rèn luyện, tu dưỡng trong thực hiện văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân và đồng nghiệp (vẫn còn trường hợp công chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bị nhắc nhở, phê bình, điều chuyển công tác do vi phạm); một số cán bộ, công chức, chủ yếu là ở cấp xã chưa giải quyết kịp thời TTHC cho tổ chức, người dân; còn tình trạng trả lại hồ sơ nhiều lần và chậm trả kết quả TTHC, chưa triệt để thực hiện việc công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC. Tại bộ phận một cửa cấp xã và tại nhiều đơn vị chưa kịp thời cập nhật, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết…

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)