(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực; trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã được quan tâm; vai trò của các chủ rừng ngày càng được nâng cao; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng về cơ bản đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn diễn biến phức tạp, với diện tích rừng bị đốt, phá lớn; từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Mường Lát đã phát hiện và khởi tố 02 vụ phá rừng, diện tích 10.930 m2 (01 vụ tại khu vực rừng phòng hộ do Đồn Biên Phòng Pù Nhi quản lý, thuộc địa phận xã Pù Nhi; 01 vụ xảy ra khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mường Lát quản lý, thuộc địa phận xã Tam Chung). Đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng một số hộ dân tự ý khai thác, đốt, phá rừng làm nương rẫy, gây mất ổn định an ninh rừng.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát diện tích rừng trồng bị khai thác, chặt phá để làm nương rẫy; kết quả xác định, tình trạng khai thác, chặt phá rừng trồng chủ yếu xảy ra tại 17 bản của 03 xã: Trung Lý, Mường Lý và Tam Chung, với diện tích 337,46 ha, gồm: 190,96 ha rừng trồng sau khai thác nhưng người dân không trồng lại rừng, mà thay vào đó là cây lương thực (cây sắn) và các cây trồng khác như luồng, trẩu, cây gai...; 126,59 ha nương rẫy cũ, là diện tích canh tác rẫy luân phiên (2-3 năm/lần), đất bạc màu, người dân bỏ hoang để cỏ le, nứa mọc tái sinh, khi giá sắn lên cao thì phá bỏ để trồng sắn; 19,91 ha đất trống nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn lạc hậu; nhiều người dân bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu sử dụng đất làm nương rẫy, trồng cây lương thực để đảm bảo cuộc sống tăng cao, trong khi chưa có quy hoạch nương rẫy cố định, chưa có các mô hình sản xuất thực sự hiệu quả để chuyển giao cho người dân thực hiện. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; các chủ rừng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện còn mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp nên việc kiểm tra, kiểm soát an ninh rừng chưa thường xuyên, kịp thời; công tác phối hợp tuyên truyền bảo vệ rừng giữa lực lượng kiểm lâm với các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện, cấp xã chưa thường xuyên; kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế...