(Thanhhoa.dcs.vn): Với quan điểm phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, phù hợp với phù hợp với các định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu là phát triển du lịch Thiệu Hóa mang bản sắc văn hóa riêng, điểm nhấn là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề truyền thống, sinh thái, trải nghiệm…, xây dựng du lịch Thiệu Hóa trở thành điểm trung chuyển, dừng chân, kết nối phát triển du lịch với khu vực thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và khu vực miền núi phía Tây, đến 2030 trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 huyện Thiệu Hóa có từ 8 - 10 điểm du lịch; có 31 cơ sở lưu trú với 265 phòng, đón khoảng 92.650 lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 81.000 triệu đồng, có khoảng 1.410 lao động tham gia vào hoạt động du lịch. Đến năm 2030, toàn huyện có 11-15 điểm du lịch; có 50 cơ sở lưu trú với 450 phòng, đón khoảng 233.460 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 281.240 triệu đồng; khoảng 2.730 lao động tham gia vào hoạt động du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương; duy trì và khôi phục, phát triển các làng thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị các điểm đến như: Làng nghề đúc đồng Trà Đông, Làng bánh đa Làng Chòm và Làng dệt nhiễu Hồng Đô. Phát triển du lịch gắn với giữ gìn, đảm bảo cảnh quan môi trường, trong đó 100% nước thải và nước sinh hoạt của người dân được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn, có hệ thống xử lý nước thải từ các khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân; đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch tại các khu vực: (1) tại Khu vực xã Thiệu Quang, xã Thiệu Hợp, xã Tân Châu: hình thành cụm du lịch nghỉ dưỡng; tìm hiểu văn hóa, tâm linh; du lịch lịch sử - tiền sử; trải nghiệm làng nghề; du lịch sinh thái sông; điểm dừng chân. Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch khu vực xã Tân Châu với các sản phẩm nghỉ dưỡng bên cạnh khu du lịch Núi Đọ là sản phẩm chính. (2) Tại khu vực xã Thiệu Nguyên, thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung hình thành cụm du lịch làng nghề; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với nông nghiệp; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; là điểm dừng chân, trung chuyển. (3) Tại khu vực xã Thiệu Toán, xã Thiệu Vũ, xã Thiệu Tiến là cụm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử cách mạng; du lịch về nguồn; với điểm kết nối là di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967 -1973).
UBND tỉnh giao UBND huyện Thiệu Hóa là chủ trì, có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tham mưu cho Huyện ủy, HĐND huyện ban hành các nghị quyết, chính sách phát triển du lịch để cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Đề án và ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện.