(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao (VHTT) cơ sở trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, phát triển rộng khắp các vùng miền, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cụ thể:
Về thiết chế VHTT cấp tỉnh: Toàn tỉnh có 08 thiết chế VHTT phục vụ cộng đồng (Thư viện tỉnh; Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao; Sân vận động tỉnh; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng; Nhà văn hóa Lao động tỉnh; Bảo tàng tỉnh); 03 thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp (các nhà văn hóa thuộc: Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn). Các thiết chế cơ bản đáp ứng được tiêu chí về diện tích; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương, đơn vị.
Về thiết chế VHTT cấp huyện: Có 20/27 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm VHTT cấp huyện hoạt động, chiếm 74%, trong đó có 10 trung tâm VHTT đạt chuẩn; chỉ có 05 đơn vị có hạng mục bể bơi, chiếm 19% (gồm Bỉm Sơn, Yên Định, Hà Trung, Nga Sơn, Quan Sơn) và 11 đơn vị có Nhà tập luyện thể thao (chiếm 41%); đa phần các đơn vị thiếu thiết bị phục vụ luyện tập thể thao. Còn 07 huyện, thành phố chưa có thiết chế VHTT cấp huyện hoạt động là: Thành phố Sầm Sơn; các huyện: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Mường Lát, Triệu Sơn, Cẩm Thủy. Trong đó, huyện Mường Lát chỉ có sân vận động, chưa có Trung tâm VHTT; huyện Triệu Sơn đang xây dựng trung tâm VHTT cấp huyện, chưa đi vào hoạt động.
Về thiết chế VHTT cấp xã: Có 446/559 xã, phường, thị trấn có cơ sở vật chất về VHTT, đạt 79,8%; trong đó, 212 trung tâm VHTT cấp xã đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt tỷ lệ 37,9%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh, thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia; các địa phương thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật, thể dục thể thao quần chúng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Về thiết chế VHTT cấp thôn: Có 4.150/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có thiết chế VHTT, chiếm 95,2%; trong đó có 2.815 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà Văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 64,6%. Cơ sở vật chất được đầu tư chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa do Nhân dân đóng góp; trang thiết bị chuyên dùng còn nghèo nàn, có 70% số nhà văn hóa thôn chỉ trang bị bàn ghế, hệ thống âm thanh, khánh tiết phục vụ sinh hoạt. Thiết chế VHTT cấp thôn chủ yếu phục vụ các cuộc họp của thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ đảng, họp hội phụ nữ, sinh hoạt CLB người cao tuổi; một số hoạt động thể thao cũng được chú trọng phổ biến như: bóng chuyền hơi, cầu lông, nhảy tập thể…
Tuy nhiên, việc phát triển, khai thác các thiết chế VHTT cơ sở trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Số lượng thiết chế VHTT đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn thấp, hầu hết mới cơ bản đạt chuẩn về diện tích đất quy hoạch; việc bố trí quỹ đất quy hoạch xây dựng thiết chế VHTT ở một số địa phương, nhất là khu vực miền núi và thành phố, thị xã còn khó khăn; hệ thống thiết chế phục vụ thanh thiếu niên, nhi đồng còn thiếu (mới có 02 đơn vị cấp huyện có thiết chế Nhà văn hóa thiếu nhi là TP.Thanh Hóa và huyện Nga Sơn); việc xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm; kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay; nhiều nhà văn hóa thôn được đầu tư lâu năm, cơ sở vật chất bị xuống cấp, hư hỏng, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sinh hoạt cộng đồng trong tình hình mới; sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, số luợng nhà văn hóa thôn, bản dôi dư tại một số địa phương dẫn đến khó khăn, bất cập trong duy trì, tổ chức hoạt động VHTT ở cơ sở...