(Thanhhoa.dcs.vn): Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh (2007 - 2022) đã đạt được những kết quả quan trọng; vai trò của nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình ngày càng được khẳng định; những thách thức, rào cản trong thúc đẩy bình đẳng giới đã từng bước được xóa bỏ; tạo ra những thay đổi tích cực cả về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 07 đồng chí Tỉnh ủy viên là nữ, chiếm 10,7% (trong đó có 01 đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ); 192 đồng chí nữ cấp ủy viên cấp huyện, chiếm tỷ lệ 18,2%; 2.457 đồng chí nữ cấp ủy viên cấp cơ sở, chiếm tỷ lệ 19,8%; nữ đại biểu Quốc hội khóa XV có 03/14 người, chiếm 21,43%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh 17/85 người, chiếm 20,0%; nữ đại biểu HĐND cấp huyện 265/918 người, chiếm 28,27%; nữ đại biểu HĐND cấp xã 3.870/13.269 người, chiếm 29,43%.

Về giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn được quan tâm triển khai, góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 40,1%; lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm còn 39,5%; tỷ lệ giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã là phụ nữ chiếm 22,7% (trong đó, nữ giám đốc doanh nghiệp trong tổng số giám đốc doanh nghiệp là 940/3.310 người, chiếm 28,4%; nữ chủ nhiệm hợp tác xã trong tổng số chủ nhiệm hợp tác xã là 84/1.210 người, chiếm 6,9%).

Chất lượng nguồn nhân lực nữ ngày càng được nâng cao, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phụ nữ có học hàm, học vị cao và ngày càng trẻ hóa; toàn tỉnh có 11 nữ phó giáo sư (chiếm 44%), 92 nữ tiến sỹ (33,8%), trình độ thạc sỹ 6.525 người (53,5%), trình độ đại học 28.576 người (61,3%), trình độ cao đẳng 6.140 người (77,7%).

Tỷ lệ dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới đạt 65%; tỷ lệ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới đạt 85%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở đạt 86%; đặc biệt, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã duy trì thực hiện hằng tháng 02 chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống loa phát thanh xã...

Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình được ưu tiên triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đến năm 2021, có 100% trạm y tế cấp xã tổ chức khám thai định kỳ và tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ có thai; tỷ lệ phụ nữ được khám tuần đầu sau đẻ đạt 92%, tăng 14% so với năm 2012; tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái cuối năm 2015 xuống còn 113,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 18,3/100.000 trẻ đẻ sống năm 2012 xuống còn 4,94/100.000 cuối năm 2021.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp không ổn định, thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức giới và đa số là kiêm nhiệm nên không dành nhiều thời gian cho công tác này. Việc thống kê, báo cáo về công tác bình đẳng giới còn nhiều bất cập, chưa có cơ sở dữ liệu phân tích giới dẫn đến việc xác định vấn đề giới, nhận diện giới gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí cho công tác bình đẳng giới nhìn chung đã được bố trí nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có mục riêng chi ngân sách cho hoạt động bình đẳng giới. Tư tưởng, định kiến giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một bộ phận cán bộ, công chức dẫn đến trong quá trình thực hiện chính sách bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, phụ nữ luôn gặp bất lợi trong việc bố trí vào các vị trí chủ chốt...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)