(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Từ năm 2013 đến nay, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh được tuyển dụng và xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là 84.171 người; trong đó, có khoảng 32.000 người hiện đang cư trú, làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trở về nước có cuộc sống tốt hơn chiếm trên 98%, tỷ lệ gia đình thoát nghèo chiếm trên 95%, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu lên nhờ tham gia xuất khẩu lao động. Trung bình hàng năm, lượng kiều hối do lao động Thanh Hóa làm việc ở nước ngoài chuyển về nước ước đạt khoảng 120-150 triệu USD; trong đó, phần lớn từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á là những thị trường có thu nhập khá cao và ổn định (khoảng 1.600-1.700 USD/người/tháng ở Hàn Quốc; 850-1.300 USD/người/tháng ở Nhật Bản; 850-1.000 USD/người/tháng ở Đài Loan...). Từ nguồn tiền tích lũy khi làm việc tại nước ngoài, các lao động đã gửi về gia đình để thanh toán các khoản nợ ban đầu khi tham gia xuất khẩu lao động và trang trải các khoản chi phí khác, như: Xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, sinh kế... Nhiều gia đình đã đầu tư các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, giúp tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương như: Xã Đông Khê, xã Đông Quang, xã Đông Minh (huyện Đông Sơn); xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương); xã Cẩm Bình, xã Cẩm Quý (huyện Cẩm Thuỷ), xã Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hoá); xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc)...
Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động tại một số địa phương chưa thường xuyên; việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tuyển chọn lao động trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài phải qua môi giới trung gian, làm tăng các khoản chi phí và có nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật của một bộ phận người lao động chưa cao, chưa chấp hành nghiêm túc nội quy làm việc của doanh nghiệp và pháp luật của nước sở tại; trong đó, tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn còn chiếm trên 30%, gây hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng...