(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường, góp phần tích cực ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoạt động kinh doanh đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của Nhân dân.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện hiệu quả; Cục Quản lý thị trường tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa xây dựng nội dung tuyên truyền thiết thực, đa dạng về nội dung; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tham mưu cho 27/27 Ban Chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ và hệ thống loa phát thanh các xã, phường, thị trấn và tuyên truyền lưu động bằng xe ôtô, phát nội dung truyền đĩa CD tại huyện, thị xã, thành phố; trong đó, tập trung tuyên truyền tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh; tổ chức ký cam kết đối với 572 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 10 doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, 1.821 cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược và 25 doanh nghiệp sản xuất, bán buôn thuốc, vật tư y tế.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh biên tập và phát hành 5.300 cuốn tài liệu Thông tin công tác Mặt trận Thanh Hóa; tổ chức truyền thông về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với giới thiệu quảng bá, giới thiệu các sản phẩm “OCOP” trong tỉnh; ký kết 70.000 bản cam kết về an toàn thực phẩm tại các mô hình khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo tổ chức tuyên truyền tập trung được 82 buổi với 5.355 lượt người tham gia, phát 180 bản tin tuyên truyền trên đài truyền thanh của huyện và hệ thống loa truyền thanh của các xã ở khu vực biên giới về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật ở địa bàn; tổ chức cho 480 hộ dân ký cam kết không trồng cây có chất ma túy, không sử dụng, tàng trữ, che dấu, tiếp tay cho tội phạm ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các loại tội phạm khác; tuyên truyền cá biệt cho hàng trăm lượt người về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, tác hại của tội phạm ma túy đối với gia đình và xã hội.

Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức 189 hội nghị tuyên truyền tại thôn (bản) tại 16 xã biên giới với 3.805 lượt người tham gia; tổ chức tuyên truyền qua loa phát thanh 1.037 lần; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 02 phóng sự về công tác bảo vệ rừng; tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng dân cư 07 lần ở cấp xã, 41 lần tại thôn (bản) về công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với công tác bảo vệ an ninh biên giới; tổ chức cho trên 1 ngàn hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình phát sóng 04 phóng sự về bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng và chống buôn lậu lâm sản; Báo Thanh Hóa, mở chuyên mục “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng”, nêu gương người tốt, việc tốt trong hoạt động phát triển rừng, bảo vệ rừng, xây dựng trang trại rừng cho thu nhập cao; Tổ chức 04 lớp triển khai về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản cho trên 330 lượt người tham gia; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, các chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế nạn phá rừng, đốt rừng, khai thác trái phép lâm sản và cháy rừng.

Công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin được chú trọng, các đơn vị: Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Sở Công thương,... thực hiện ký quy chế phối hợp giữa các lực lượng với nhau nhằm triển khai hiệu quả công tác đấu tranh chống thương mại và hàng giả. Cục Quản lý thị trường tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh triển khai hiệu quả quy chế phối hợp đã ký với 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng Kiểm lâm và Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau về tình hình an ninh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhất là các tụ điểm, điểm nóng về khai thác, cháy rừng, các đối tượng vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản, phương tiện vận chuyển lâm sản khu vực biên giới; từ 15/9/2022 đến 14/9/2023, các Hạt Kiểm lâm tại địa bàn biên giới đất liền phía tây (Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát) đã trao đổi, chia sẻ thông tin với lực lượng Công an, Biên phòng 228 lượt; trong đó, thông tin qua điện thoại 209 lượt; trao đổi qua hội nghị 19 lượt. Thường xuyên duy trì đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với các cụm, bản thuộc Huyện Viêng Say, Xốp Bâu, Sầm Tớ tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi 11 lần; trao đổi thông tin qua điện thoại 87 lần về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng khu vực biên giới; phối hợp với chính quyền các xã biên giới đã tổ chức tuần tra, kiểm tra được 591 lần với trên 1.900 lượt người tham gia; phối hợp với các cụm, bản, lực lượng chức năng của tỉnh Hủa Phăn (Lào) tổ chức kiểm tra, tuần tra song phương trong khu vực biên giới 17 lần, với trên 450 lượt người tham gia.

Từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/9/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.740 vụ vi phạm; trong đó: chuyển khởi tố hình sự 405 vụ; xử lý vi phạm hành chính 4.335 vụ (gồm 328 vụ xử lý về hàng cấm, hàng lậu; 236 vụ xử lý hàng giả và quyền sở hửu trí tuệ; 3.771 vụ xử lý các hành vi gian lận thương mại khác); tổng số tiền thu nộp là 303 tỷ đồng (trong đó: phạt vi phạm hành chính 93 tỷ đồng; truy thu thuế 210 tỷ đồng).

Công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật được chú trọng; Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa được Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh gửi Thư khen của ngày 30/5/2022 về việc kiểm tra 05 kho chứa hàng hóa kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, thu giữ 27.825 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và giả mạo nhãn hiệu trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tặng thưởng Bằng khen cho 03 tập thể và 06 cá nhân thuộc các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng thưởng Bằng khen cho 14 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng thưởng Bằng khen đột xuất cho 02 tập thể và 05 cá nhân thuộc Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố Thanh Hóa đã có thành tích xuất sắc trong phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ sản xuất, buôn bán 2.700 kg trà giả và 15.000 bao bì giả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu và hàng giả trên địa bàn tỉnh khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đó là: Địa bàn hoạt động rộng, lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại biên chế còn mỏng. Phương tiện và các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát còn thiếu thốn nên công tác kiểm tra xử lý còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức chuyên môn chưa đồng đều, chưa được đào tạo trình độ chuyên môn sâu để đáp ứng như cầu nhiệm vụ; còn thiếu các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác thực thi công vụ dẫn đến công tác tham mưu để xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường có lúc còn bị động. Chưa được trang bị về hạ tầng công nghệ thông tin để có thể thực hiện công tác chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin, trao đổi nghiệp vụ giữa các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh với nhau, giữa Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh các huyện, thị xã, thành phố và công tác phối hợp giữa các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh với các cơ quan ban ngành khác trong và ngoài tỉnh.

Để góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung cầu hàng hoá trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các Thành viên, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố bám sát nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung cầu hàng hoá trên địa bàn tỉnh; các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ ban ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung. Tập trung đấu tranh chống lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu; tăng cường phòng chống các hoạt động sử dụng thiết bị, công nghệ cao để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt công tác thu thập thông tin, đặc biệt là công tác dự báo diễn biến tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát đối với các vi phạm về hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng giả tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác điều tra, trinh sát, tổ chức nhân mối trong các địa bàn trọng điểm nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa (gỗ và các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, gia súc, gia cầm...) qua biên giới.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Thành viên, các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực: các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bưu điện... tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Phối hợp với các Hiệp hội trong cung cấp thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các mánh khóe, thủ đoạn, đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là Nhân dân tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu, vùng sâu, vùng xa, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức không để đối tượng vi phạm lợi dụng mua chuộc; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp có hành vi bảo kê, bao che tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đặc thù từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực để mọi đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận, ghi nhớ được những nội dung cần chuyển tải, góp phần đảm bảo cả chiều rộng và chiều sâu của công tác tuyên truyền. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật…

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)