(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện, đạt kết quả quan trọng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực; trong đó có 4.810 mô hình tập thể, 3.609 mô hình cá nhân; hệ thống dân vận các cấp, các ngành đã tổ chức 236 hội thi "Dân vận khéo" với 396 đơn vị tham gia, số điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng là 1.064 tập thể và 1.623 cá nhân; cụ thể như sau:
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế: Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.200 mô hình, điển hình trên lĩnh vực kinh tế; trong đó có nhiều mô hình, điển hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, được các cấp, các ngành duy trì, nhân rộng. Nổi bật như là: mô hình thiết kế chế tạo hệ thống sạc pin thông minh cho xe ô tô điện của bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Việc làm, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng của gia đình ông Hoàng Văn Kèm, Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát; mô hình sản xuất “Bún an toàn thực phẩm” của gia đình ông Phạm Đức Hạnh, thôn Tân Lộc 2, xã Yên Thọ, huyện Yên Định…
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh; các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, đóng góp ngày công, hiến đất,… để xây dựng NTM; điển hình như: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 22/7/2022 về "Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện", đã vận động Nhân dân hiến được trên 33ha đất với gần 10.800 hộ tham gia; huyện Thọ Xuân duy trì hiệu quả mô hình điểm của tỉnh về “Dân vận khéo trong vận động nhân dân tích tụ đất đai sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” tại thôn Phong Mỹ, xã Trường Xuân; “Dân vận khéo trong vận động nhân dân sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” tại thôn Thọ Long, xã Xuân Lập và thôn Quần Lai,… Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có thêm 42 xã được công nhận xã NTM, 59 xã NTM nâng cao, 13 xã NTM kiểu mẫu; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 363 xã NTM, 80 xã NTM nâng cao, 17 xã NTM kiểu mẫu.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.718 mô hình, điển hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; tiêu biểu như: mô hình “Du lịch cộng đồng” ở các huyện Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa; mô hình trồng hoa ven đường ở các huyện Ngọc Lặc, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Như Xuân…; mô hình “Chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật” ở các huyện Quảng Xương, Thọ Xuân, Thiệu Hóa; mô hình “Tiếng trống khuyến học’ ở huyện Vĩnh Lộc, Như Thanh; mô hình "Xứ đạo bình yên - gia đình văn hoá" ở huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương… Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực; phong trào khuyến học, khuyến tài được triển khai sâu rộng trong các dòng họ khu dân cư, quỹ khuyến học được nhân dân, doanh nghiệp đóng góp để khuyến khích học tập đạt kết quả cao, trong 03 năm, toàn tỉnh đã có hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên khó khăn vươn lên học tốt, dạy tốt.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Công tác “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, gắn với việc xây dựng thế trận lòng dân và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.539 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; tiêu biểu như: mô hình "Phòng tiếp dân thân thiện, Vì nhân dân phục vụ" tại huyện Hậu Lộc; mô hình "Ngân hàng máu sống" của Công an huyện Mường Lát; mô hình “Cán bộ tiếp dân ân cần, niềm nở, trách nhiệm” của đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh; mô hình “Dân vận khéo trong vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, xây dựng lực lượng nòng cốt trong vùng giáo” của Công an huyện Đông Sơn; mô hình “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ Công an Thọ Xuân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân” của Công an huyện Thọ Xuân…
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 962 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiêu biểu như: mô hình thực hiện Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025 của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; mô hình “Suất ăn 0 đồng dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn” của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; mô hình “thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp” của Cục Hải quan Thanh Hóa; mô hình “Công chức ngành Nội vụ với chuyển số” của Sở Nội vụ; mô hình “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và một số chính sách pháp luật mới thi hành trong cộng đồng dân cư” của Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc; mô hình "Đơn vị dân vận tốt" của Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào thi đua "Dân vận khéo" nên thiếu quan tâm chỉ đạo, trách nhiệm chưa cao, chưa nghiên cứu các văn bản để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Việc phát động đăng ký, xây dựng mô hình, điển hình đôi khi còn lúng túng, bị động; số lượng mô hình, điển hình có tăng nhưng chất lượng có mặt còn hạn chế; chưa tích cực nhân rộng mô hình có tác dụng tốt nên tính lan tỏa của phong trào thi đua có mặt bị hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" của một số cấp ủy đảng chưa thường xuyên, chưa kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh những hạn chế, khó khăn...
Qua triển khai thực hiện phong trào dân vận khéo trên địa bàn tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, xác định công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có vai trò quan trọng đến hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước; nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào hoạt động hiệu quả, có tính đồng bộ, có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, ngược lại nơi nào thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, đôn đốc nơi đó phong trào đạt hiệu quả thấp.
Hai là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được triển khai trong cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời tùy từng lĩnh vực, từng điều kiện của địa phương để lựa chọn các nội dung, việc làm, mô hình, điển hình cụ thể, phù hợp, thiết thực để thực hiện; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” các phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để thực hiện.
Ba là, hệ thống dân vận các cấp tham mưu cho cấp ủy hướng dẫn cụ thể nội dung thực hiện; tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng các mô hình, điển hình làm cơ sở để tổ chức tổng kết, sơ kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình, điển hình tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà các địa phương, đơn vị và tỉnh đã đề ra…