(Thanhhoa.dcs.vn): Gần 10 năm qua, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 22/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (gọi tắt là Quy chế), các cấp, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội từ thị xã Nghi Sơn đến cơ sở đã chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị góp phần vào sự phát triển, chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Ban Thường vụ Thị ủy đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của thị xã và cơ sở. Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn (trước đây là Huyện uỷ Tĩnh Gia) đã ban hành Kế hoạch số 72- KH/HU ngày 16/5/2014, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thị xã để nghiên cứu, học tập quán triệt triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW. Đảng ủy cơ sở và các ngành có liên quan tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng chương trình hành động và kế hoạch tổ chức thực hiện.
Về hoạt động giám sát
Trong 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp của thị xã đã chủ trì và phối hợp tổ chức 640 cuộc 6 giám sát với nhiều nội dung khác nhau; trong đó, Mặt trận Tổ quốc thị xã và xã, phường giám sát 227 cuộc về triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, về công tác cải cách thủ tục hành chính; về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, công tác bầu cử. Liên đoàn Lao động thị xã tổ chức giám sát 45 cuộc về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; Hội Nông dân các cấp tổ chức 75 cuộc giám sát về công tác dồn điền, đổi thửa; hoạt động vay vốn của hội viên; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức 98 cuộc giám sát về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Luật Hôn nhân gia đình; Bộ luật Lao động; về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Hội Cựu chiến binh tổ chức 40 cuộc về thực hiện chính sách đối với người có công; về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đoàn thanh niên tổ chức 55 cuộc giám sát về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; việc thực hiện Luật Trẻ em năm 2026. Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, phường tổ chức 354 cuộc giám sát về xây dựng giao thông nông thôn, việc thu, chi các khoản đóng góp ở cộng đồng dân cư.
Sau giám sát, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát tiếp thu, giải quyết, trong đó đã thực hiện nhiều nội dung như: giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng mức độ hài lòng của người dân; các biện pháp, cách làm về công khai dân chủ, phát huy giám sát đầu tư của cộng đồng; các hình thức, mô hình tự quản; mở rộng thực hiện các hình thức cơ chế hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cơ chế đầu tư các thiết chế văn hoá, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các mô hình tự quản, mô hình dân vận khéo hoạt động hiệu quả, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cán bộ tại các thôn, khối phố, khu dân cư...
Về hoạt động phản biện xã hội
Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được tổ chức thực hiện kịp thời, qua đó phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của đoàn viên, hội viên trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cấp ủy, chính quyền trước khi xây dựng các dự thảo báo cáo chính trị, Nghị quyết, Chương trình hành động, các đề án, kế hoạch… đều gửi các văn bản về Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội xin ý kiến đóng góp; đồng thời chỉ đạo các đơn vị được phân công xây dựng dự thảo văn bản cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung phản biện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nghiên cứu, tham gia ý kiến phản biện và thông qua việc tham gia các hội nghị để trực tiếp đối thoại, giải trình và tiếp thu những ý kiến của đại biểu tại hội nghị để tạo sự thống nhất trong việc tham mưu ban hành, đảm bảo tính khả thi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nội dung tham gia phản biện xã hội đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các dự thảo Luật. Trong 10 năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thị xã đã tham gia góp ý, phản biện vào 1124 lượt văn bản (trong đó cấp thị xã phản biện 36 văn bản, góp ý vào 235 văn bản; cấp xã, phường phản biện 124 văn bản, góp ý vào 829 văn bản); Tham mưu cho Thường trực Thị ủy tổ chức 20 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy thị xã và 265 cuộc cấp xã, phường với cán bộ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Sau khi có ý kiến phản biện, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về dự thảo các văn bản đều được cấp ủy, chính quyền tổng hợp xem xét cụ thể, giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan bổ sung, hoàn thiện, đưa ra tập thể bàn bạc công khai, dân chủ, đồng thời giải trình và tiếp thu những góp ý để tạo sự thống nhất trong việc ban hành chủ trương, quyết định, đảm bảo tính khả thi, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, việc quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch kiển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW một số đơn vị chưa thường xuyên, đồng bộ, còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát. Vai trò chủ thể trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn hạn chế; công tác phối hợp triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ, còn lúng túng, nhất là công tác phản biện xã hội; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác giám sát, phản biện cho đội ngũ cán bộ tuy có được quan tâm nhưng vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa có sức lan tỏa, có nội dung còn mang tính hình thức; hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân, ban Giám sát đầu tư cộng đồng một số đơn vị cơ sở còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Việc chỉ đạo tiếp thu ý kiến đóng góp, giải quyết những kiến nghị và trả lời sau giám sát phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có lúc còn chưa kịp thời.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế chủ yếu là do: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở về vị trí, vai trò, tác dụng của của việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đầy đủ, chưa chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Quy chế. Công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đồng bộ, chặt chẽ. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số đơn vị chưa chủ động tham mưu, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Năng lực của một số cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể trong công tác giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế.
Bài học kinh nghiệm
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, thị xã Nghi Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Một là, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm chủ thể của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Hai là, phát huy vai trò chủ động, chủ trì, tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp.
Ba là, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện về cơ chế và kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện. Kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện, của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Bốn là, quá trình triển khai, thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải đúng quy định, đảm bảo quy trình, trung thực, khách quan. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện phải đầy đủ, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải thực sự phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực, coi trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Năm là, thường xuyên đánh giá sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện quyết định 217-QĐ/TW; tăng cường tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ làm công tác mặt trận, các đoàn để, nhất là ở cơ sở.