(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị (khóa XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; trong gần 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hậu Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, đạt kết quả tích cực.
Ngay sau khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 30- HD/BDVTW ngày 10/02/2014 về thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW; Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời ban hành ban hành Công văn số 45-CV/HU ngày 15/4/2014 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; Kế hoạch 87-KH/HU ngày 04/6/2014 tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện; chỉ đạo Ban Dân vận ban hành Hướng dẫn 12-HD/BDVHU ngày 15/5/2014, hướng dẫn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện trong cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân. Kết quả 100% các đơn vị cơ sở đã tổ chức hội nghị quán triệt triển khai; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia đạt 95%.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Trong 10 năm qua, MTTQ từ huyện đến xã, thị trấn đã tổ chức 242 cuộc giám sát (năm 2014: 9 cuộc; năm 2015: 14 cuộc; năm 2016: 24 cuộc; năm 2017:25 cuộc; năm 2018: 29 cuộc; năm 2019: 25 cuộc; năm 2020: 29 cuộc; năm 2021: 30 cuộc; năm 2022: 30 cuộc, 6 tháng đầu năm 2023: 26 cuộc).
Mặt trận Tổ Quốc từ huyện đến các xã, thị trấn đã tổ chức thực hiện 55 cuộc phản biện xã hội. (năm 2014: 0 cuộc; năm 2015: 3 cuộc; năm 2016: 0 cuộc; năm 2017: 0 cuộc; năm 2018: 0 cuộc; năm 2019: 0 cuộc; năm 2020:24 cuộc; năm 2021: 10 cuộc; năm 2022: 14 cuộc, 6 tháng đầu năm 2023: 0 cuộc).
Ban thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương tổ chức được 139 cuộc (năm 2014: 05 cuộc, năm 2015: 07 cuộc, năm 2016: 07 cuộc, 2017: 09 cuộc; năm 2018: 21 cuộc; năm 2019: 25 cuộc; năm 2020: 18 cuộc; năm 2021: 24 cuộc; năm 2022: 23 cuộc).
Công tác sơ kết, tổng kết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 22 báo cáo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể huyện và các đảng ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn triển khai, tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW. Hằng năm, Ban Dân vận Huyện ủy đã ban hành báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Qua kiểm tra, giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội của huyện đã đánh giá đúng thực trạng, nắm được tình hình, tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục, sửa chữa, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, đề xuất những giải pháp thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ở một số đơn vị, địa phương có lúc chưa thường xuyên, đồng bộ, còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, đối tượng được giám sát. Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về công tác giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa được đầy đủ. Vai trò chủ thể trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vẫn còn hạn chế; công tác phối hợp triển khai thực hiện còn thiếu đồng bộ, còn lúng túng, nhất là công tác phản biện xã hội ở cấp cơ sở; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác giám sát, phản biện cho đội ngũ cán bộ cơ sở tuy có được quan tâm nhưng vẫn chưa xem là việc làm thường xuyên, nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội có việc chưa đúng vấn đề cần quan tâm, sức lan toả, hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu quy trình, chưa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Việc chỉ đạo tiếp thu ý kiến đóng góp, giải quyết những kiến nghị và trả lời sau giám sát phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có lúc chưa kịp thời. Giám sát đối với trách nhiệm, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa thực hiện được nhiều.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, huyện Hậu Lộc rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQVN phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên UBMTTQVN, thành viên các tổ chức tư vấn của UBMTTQVN các cấp; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trên các lĩnh vực.
Hai là, phát huy vai trò chủ động, chủ trì, tham mưu của Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện của UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội, kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Trao đổi, thống nhất với Ban Dân vận Huyện uỷ, UBND huyện, Khối Dân vận Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn để tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình đối thoại, giám sát và phản biện xã hội.
Ba là, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội; tạo điều kiện về cơ chế và kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của UBMTTQVN và các tổ chức thành viên ở từng cấp.
Bốn là, căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để báo cáo với Huyện uỷ, Đảng uỷ thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.
Năm là, quá trình triển khai, thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải đúng quy định, đảm bảo quy trình, trung thực, khách quan. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của UBMTTQVN được đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải thực sự phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực, coi trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Đồng thời, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý.