(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Quảng Xương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, đạt kết quả tích cực. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Kế hoạch số 65-KH/HU ngày 25/02/2014 và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ chủ chốt toàn huyện; chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, đảng ủy các xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp, các ngành, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được nâng lên; vai trò công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, củng cố, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động lựa chọn nội dung giám sát, phản biện bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện.  Công tác phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể với HĐND, UBND huyện, các ban, ngành được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; đặc biệt, đã phối hợp với HĐND huyện trong giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghị quyết của HĐND về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm, sản phẩm OCOP, khuyến khích phát triển giao thông nông thôn, hỗ trợ đầu tư hạ tầng làng nghề...; phối hợp tham gia tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại các khu dân cư trên địa bàn huyện. Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW; xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện đối với các tổ chức cơ sở đảng. Năm 2016, thành lập đoàn kiểm tra tại 04 xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Tân, Quảng Nham; năm 2018, kiểm tra tại 04 xã: Quảng Lưu, Quảng Định, Quảng Thạch, Quảng Ngọc.

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, các kế hoạch, chương trình, công tác quy hoạch, các dự án phát triển kinh tế - xã hội để Mặt trận, các đoàn thể, Nhân dân biết và tham gia giám sát. Các kiến nghị sau giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội đều được các cấp ủy kịp thời chỉ đạo chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải quyết cụ thể và báo cáo bằng văn bản. Từ năm 2013 đến nay, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trên địa bàn đã phối hợp tổ chức 177 cuộc giám sát với 481 kiến nghị, đề xuất; đến nay, đã có 451/481 kiến nghị được thực hiện (đạt tỷ lệ 93,7%); phối hợp với HĐND thực hiện hội nghị tiếp xúc cử tri với trên 80.000 lượt cử tri tham gia; qua đó, đã có 18.382 ý kiến, đề xuất, kiến nghị, các cơ quan chức năng đã tiếp thu, giải quyết đạt tỷ lệ trên 91%.

Trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã triển khai thực hiện được 77 cuộc giám sát, gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức giám sát được 05 cuộc với 05 nội dung; ủy ban MTTQ các xã, thị trấn tổ chức giám sát được 16 cuộc với 06 nội dung; Ban thanh tra nhân dân giám sát được 24 cuộc và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 32 cuộc. Nội dung giám sát chủ yếu liên quan đến việc thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gồm: Giám sát việc triển khai thực hiện Quy trình bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021; việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; giám sát về các mô hình MTTQ và đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới; công tác điều tra, xác minh hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn...

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả; từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã tiếp 2.215 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; các phòng, ngành chức năng của huyện đã tiếp hơn 1.646 lượt công dân, nhận 1.128 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nội dung chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, việc thực hiện chế độ chính sách an sinh xã hội, công tác quản lý, sử dụng ngân sách địa phương...

Công tác tham gia phản biện của MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội được tăng cường; tích cực đóng góp ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết, Chương trình, Đề án của huyện ủy, HĐND, UBND huyện nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể còn thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất và tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, tổng hợp các ý kiến, chuyển đến cấp ủy Đảng, chính quyền và kiến nghị tại kỳ họp HĐND cùng cấp. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát, góp ý xây dựng tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên; kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở địa phương.

Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm bố trí kinh phỉ, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện chức năng giảm sát, phản biện. Ở cấp huyện, hàng năm, địa phương giành nguồn kinh phí chi hỗ trợ hoạt động giám sát, phản biện xã hội gắn với việc chỉ đạo thực hiện các mô hình dân vận khéo của MTTQ và các đoàn thể cấp huyện với mức kinh phí 50 triệu đồng/đoàn thể/năm. Ở cấp xã, thực hiện Nghị quyết 109/2018/NQ-HĐND của ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh, huyện chi hoạt động giám sát phản biện xã hội với mức 10 triệu đồng/xã và thực hiện Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, huyện chi hoạt động giám sát cộng đồng với mức 10 triệu đồng/xã.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế, khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội; chưa quan tâm chỉ đạo tiếp nhận ý kiến đóng góp và trả lời, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của MTTQ, các đoàn thể. Công tác giám sát, phản biện xã hội có lúc, có việc còn lúng túng, chưa thực sự chủ động trong triển khai thực hiện; nội dung, đối tượng giám sát, phương pháp thực hiện còn đơn điệu, chủ yếu là thông qua báo cáo của các đơn vị được giám sát. Nội dung giám sát và phản biện còn chung chung, chủ yếu dừng lại ở việc tham gia góp ý vào các dự thảo Luật, Nghị quyết, các cơ chế, chính sách... khi các cơ quan liên quan yêu cầu, chưa chủ động trong đề xuất các nội dung giám sát và phản biện xuất phát từ thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền một số nơi với các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện trong thực hiện dân chủ có lúc, có việc chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể ở một số đơn vị còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; chưa sâu sát, đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, góp ý nên một số việc hiệu quả chưa cao. Kinh phí hoạt động cho công tác giám sát phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện thường xuyên...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)