(Thanhhoa.dcs.vn): Để tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 6544/UBND-GDĐT ngày 10/10/2023 yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có liên quan, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung quan trọng.

Theo Công văn, trong thời gian qua, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Thanh Hóa cùng với ngành Giáo dục đã có sự chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống bạo lực học đường và thu được một số kết quả. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra, gây bức xúc và tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự cũng như môi trường giáo dục. Đặc biệt, vào ngày 02/10/2023 đã xảy ra vụ việc 01 học sinh Trường THCS Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa bị bạo lực học đường, quay clip; ngày 08/10/2023 một số học sinh các trường THCS trên địa bàn tham gia đánh 01 học sinh trường THCS Điện Biên làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Để tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 80/2017/NĐCP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quy định về phòng, chống bạo lực học đường đến các cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố Thanh Hóa. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ đạo các nhà trường lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” và cuộc vận động “Người dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt và hành động thân thiện”.

Phối hợp có hiệu quả với các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức có liên quan trực thuộc thành phố và các phường, xã để tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.

Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn căn cứ cơ sở Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quy định về phòng, chống bạo lực học đường, Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trường học (kể cả trong và ngoài trường học, giờ học); giáo viên, nhân viên, học sinh chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát triển các Câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích và lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Triển khai các nội dung của cuộc vận động “Người dân thành phố Thanh Hóa nói lời hay làm việc tốt và hành động thân thiện” gắn với các hoạt động cụ thể của học sinh và trong việc thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”.

Tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”. Phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để có biện pháp xử lý kịp thời. Triển khai Kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; bồi dưỡng và chọn cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ học sinh; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, chú trọng công tác giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên của nhà trường đối với việc quản lý, giáo dục học sinh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng ngừa tình trạng học sinh đánh nhau. Định hướng việc sử dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook,… trong học sinh và cán bộ, giáo viên phải tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng. Tuyệt đối không đăng tải, bình luận, chia sẻ các thông tin xấu độc, các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng internet, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Xử lý nghiêm, kịp thời, công khai các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe theo đúng các quy định của pháp luật.

Chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong học sinh để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cũng như kịp thời phát hiện những học sinh có biểu hiện theo các mức độ được nêu trong Kế hoạch số 415/KH-CAT-PC02 ngày 30/9/2022 của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa về việc cảm hóa, giáo dục, quản lý, phòng ngừa và xử lý thanh thiếu niên hư hỏng vi phạm pháp luật để cung cấp danh sách cho lực lượng công an phường, xã có biện pháp phối hợp theo dõi, quản lý. Nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh về việc quản lý, giáo dục học sinh; xây dựng Quy chế phối hợp với Công an, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội của phường, xã trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Khi có vụ việc xảy ra do đối tượng học sinh trường mình hoặc xảy ra trên địa bàn mình phụ trách, yêu cầu Hiệu trưởng các nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các đơn vị có liên quan kịp thời xác minh, làm rõ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định để kịp thời phối hợp giải quyết; xử lý đối tượng học sinh vi phạm đảm bảo tính răn đe theo đúng qui định. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường mà không được giải quyết kịp thời.

UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố chủ động phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong nhà trường; chỉ đạo công an các phường, xã phối hợp với các trường học trong công tác phát hiện mâu thuẫn và giải quyết triệt để các mâu thuẫn không để phát sinh nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi bạo lực học đường, khi có dấu hiệu bạo lực phải xử lý ngay; khi có vụ việc lực lượng Công an phải xác minh, xử lý theo quy định pháp luật nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học; bố trí lực lượng tiến hành triển khai kiểm tra đột xuất các phương tiện, cặp sách của học sinh nhằm phát hiện hung khí, vũ khí hoặc các vật dụng có thể sử dụng gây thương tích nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hậu quả xảy ra.

Yêu cầu Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Thực hiện và phát triển các mô hình phát triển toàn diện trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; phối hợp với Thành Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thực hiện và phát triển các mô hình, hoạt động thực hiện quyền trẻ em. Nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các ngành, các tổ chức; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Phối hợp với các phòng, ban, ngành có liên quan củng cố hệ thống cơ sở, cung cấp dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra liên ngành và chuyên đề về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em.

UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị Thành Đoàn, Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp chỉ đạo tổ chức Đoàn - Đội, tổ chức Công đoàn, Nữ công trong các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ngành và Bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; ngăn ngừa các hành vi bạo lực học đường. Phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn phường, xã phối hợp với đơn vị trường học trên địa bàn trong việc trao đổi thông tin những trường hợp học sinh chậm tiến, học sinh có biểu hiện vi phạm, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giáo dục; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Có các giải pháp hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chịu trách nhiệm và phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trên địa bàn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng,…

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)