(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý.

Mục đích nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của Tỉnh về công tác đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp); 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm tối thiểu 12,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sư nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (trừ đơn vị sự nghiệp công cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) so với giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý, Kế hoạch đã xác định định hướng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực như sau:

(1) Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường trung cấp công lập, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập Trường trung cấp vào Trường cao đẳng (lĩnh giáo dục nghề nghiệp) hoặc giải thể các trường trung cấp hoạt động không hiệu quả, nhằm giảm đầu mối đào tạo trình độ trung cấp công lập, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ đào tạo, tập trung đầu tư phát triển đối với lĩnh vực, ngành nghề của cơ sở đào tạo có lợi thế, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại trường học các cấp, giai đoạn 2025 - 2030, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các huyện, thị xã, thành phố; xây dựng Phương án thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, nhất là các huyện, xã miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn.

(2) Đối với lĩnh vực y tế:

- Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm có số lượng trạm y tế hợp lý, trạm có cơ cấu, số lượng người phù hợp, phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở.

(3) Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ:

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó xây dựng Đề án báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trong việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ nhằm giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu.

- Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện báo cáo đánh giá về hoạt động của Viện sau 05 năm thành lập; trên cơ sở đó xây dựng Đề án phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2025 - 2030, trong đó chú trọng về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.

(4) Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao các cấp; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đổi mô hình hoạt động (tăng mức độ tự chủ chi thường xuyên), hoặc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối.

(5) Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ quan báo chí, Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển, nâng cao hoạt động của Trung tâm Công nghệ thông tin, giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm xây dựng Trung tâm là đơn vị có tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế hoạt động tài chính xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong tổ chức triển khai các hoạt động sự nghiệp theo lĩnh vực, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đảm bảo an toàn thông tin..., góp phần trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thanh Hóa.

(6) Đối với sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng; phát triển các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng; đảm bảo phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20503 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; trên cơ sở đó xây dựng Đề sắp xếp, tổ chức lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Kế hoạch cũng xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền; Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; Hoàn thiện cơ chế tài chính; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)