(Thanhhoa.dcs.vn): Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 2664-KL/TU ngày 23/02/2024 về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh dã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực. Từ khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã có những chuyến biến rõ rệt, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; qua đó tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp với phương thức ngày càng tinh vi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến mức bị xử lý ký luật, xử lý hình sự...
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, bên cạnh các giải pháp về lãnh đạo, quản lý, chế tài xử phạt, chế độ tiền lương, thu nhập, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, thì việc xây dựng, hình thành văn hóa liêm chính, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác giáo dục liêm chính hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ được lồng ghép chung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nội dung, tài liệu về giáo dục liêm chính chưa được biên soạn bài bản và còn thiếu; phương thức giáo dục liêm chính có mặt còn hạn chế...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, với phương châm ngăn chặn "từ sớm, từ xa", "cả gốc lẫn ngọn"; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu: Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giáo dục liêm chính nói riêng. Đối mới toàn diện, thực chất nội dung và phương thức giáo dục liêm chính; xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hoá có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy phục vụ Nhân dân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp uỷ đảng, chính quyền; huy động sức mạnh tống hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các chỉ tiêu chủ yếu, gồm: (1) Đến năm 2025, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, bổ sung, xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; (2) Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm nêu gương, đạo đức công vụ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trong đó lồng ghép từ 01 đến 02 chuyên đề về giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (3) Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức có bản đăng ký cá nhân về thực hành liêm chính trong hoạt động công vụ, gắn với việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (4) Hằng năm, cấp ủy từ cơ sở trở lên có hình thức biểu dương, tôn vinh những hành động liêm chính, gương người tốt, việc tốt, việc tử tế ở địa phương, đơn vị; (5) Từ năm 2030, mỗi quý 01 lần, cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lóp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, trong đó có lồng ghép chuyên đề về công tác giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định, gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu đối với công tác giáo dục liêm chính; (2) Nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đon vị; (3) Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức; (4) Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ; (5) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hành liêm chính; (6) Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và thực hành liêm chính.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh căn cứ các quy định hiện hành và Kết luận này để hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án "Giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp tăng cường quan hệ phối hợp trong thực hiện công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận này.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông, hệ thống tuyên giáo các cấp trong tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về giáo dục liêm chính và thực hành văn hóa liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh.
Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu về giáo dục liêm chính và bổ sung vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Chủ trì tổ chức các hội thảo chuyên đề, kịp thời tông kết thực tiễn để bổ sung, sửa đổi nội dung đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; nghiên cứu ban hành chủ trương lãnh đạo công tác giáo dục liêm chính; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục và thực hành văn hóa liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.