(Thanhhoa.dcs.vn): Trong tháng 9 năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai Kế hoạch cải cách TTHC 6 tháng cuối năm 2023; khẩn trương đề xuất phương án đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trọng tâm; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát các quy định về TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chỉ ban hành các TTHC, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã họp Phiên thứ nhất trực tuyến toàn quốc, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì, để đánh giá kết quả công tác cải cách TTHC thời gian qua, thống nhất nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, góp phần thúc đẩy cải cách TTHC của từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đã ban hành Kế hoạch hoạt động 4 tháng cuối năm 2023 của Tổ công tác với 13 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Một số kết quả thực hiện như sau:

1. Về cải cách quy định thủ tục hành chính:

(1) Kết quả đánh giá tác động và thẩm định, thẩm tra TTHC trong dự án, dự thảo VBQPPL có quy định TTHC: Các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động 91 TTHC tại 19 dự thảo VBQPPL, thực hiện thẩm định 99 TTHC quy định tại 13 dự thảo VBQPPL; trong 9 tháng năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động 807 TTHC tại 130 dự thảo VBQPPL, thẩm định 727 TTHC quy định tại 108 dự thảo VBQPPL. Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra 59 TTHC và 78 quy định kinh doanh (QĐKD) tại 06 dự thảo Nghị định; đã đề nghị không quy định 02 TTHC và 10 QĐKD, sửa đổi, bổ sung 55 TTHC và 42 QĐKD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã thẩm tra 953 TTHC, QĐKD tại 53 dự thảo VBQPPL, trong đó đã đề nghị không quy định 82 TTHC, QĐKD, sửa đổi, bổ sung 494 TTHC, QĐKD, chiếm 60,4%.

(2) Về cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính:

- Kết quả rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ: Có 02 Bộ đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định  để cắt giảm, đơn giản hóa 84 QĐKD, nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa trong 9 tháng đầu năm 2023 là 338 QĐKD tại 28 VBQPPL. Tính lũy kế từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 QĐKD tại 199 VBQPPL. Các bộ, cơ quan tích cực rà soát, cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đến nay, còn 03 Bộ (Công Thương, Nội vụ, Quốc phòng) chưa thực hiện rà soát, cắt giảm đơn giản hóa QĐKD thuộc phạm vi quản lý.

- Kết quả rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Có 04 bộ, ngành  công bố 104 TTHC nội bộ và 17 địa phương công bố 287 TTHC nội bộ, nâng tổng số TTHC nội bộ được công bố trong 9 tháng năm 2023 thuộc phạm vi của 20/22  bộ, ngành là 1.355 TTHC và 2.492 TTHC nội bộ của 60/63 địa phương; Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 12 TTHC nội bộ; 01 địa phương (Kon Tum) phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 30 TTHC nội bộ.

- Kết quả thực thi phương án phân cấp trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định để phân cấp 17 TTHC, nâng tổng số TTHC được phân cấp trong 9 tháng đầu năm 2023 là 106 TTHC tại 18 VBQPPL. Đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi 29 VBQPPL  để thực thi phương án phân cấp 156/699 TTHC, đạt 22%. Trong đó, có 06 bộ, ngành tích cực thực hiện , nhưng còn 10 bộ, cơ quan chưa thực thi phương án phân cấp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

- Kết quả thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư: Có 03 bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 03 văn bản để thực thi phương án đơn giản hóa 13 TTHC. Đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa được 388 TTHC/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (đạt 36%), trong đó, có 05 bộ, ngành  hoàn thành thực thi phương án, 03 bộ  đạt trên 50% và còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thực thi phương án đơn giản hóa.

(3) Tổng số TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ: Các bộ, ngành đã ban hành mới 28 TTHC, sửa đổi bổ sung 70 TTHC và bãi bỏ 32 TTHC quy định tại 11 văn bản QPPL; tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành 05 TTHC mới quy định tại 01 Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Về cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính:

- Kết quả công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC: Việc công bố, công khai TTHC tại tất cả các bộ, ngành đều chậm so với thời hạn theo quy định; tại các địa phương, tỷ lệ công bố đúng hạn đạt 70,08% và công khai đúng hạn đạt 66,17%, tỷ lệ này cao hơn so với các bộ, ngành nhưng vẫn còn khoảng 30% TTHC công bố, công khai chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận, thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch trong tháng, như: Điện Biên, Hòa Bình, Kiên Giang, Thái Bình... Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tiếp nhận, xử lý và đồng bộ công khai quá trình giải quyết của hơn 3,7 triệu hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Lũy kế từ đầu năm đến nay là 59,6 triệu hồ sơ.

- Kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn tại bộ, ngành đạt 23,56% (tăng 2.44% so với tháng 8/2023), trung bình đạt 41,01%/tháng và tại địa phương đạt 72,2% (tăng 0,48% so với tháng 8/2023), trung bình đạt 87,22%/tháng. Một số bộ, địa phương thực hiện tốt việc giải quyết TTHC, như: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Cao Bằng, Hưng Yên, Cần Thơ, Hải Phòng, Điện Biên, Lạng Sơn, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lào Cai...

- Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã có hơn 4.541 TTHC được các bộ, ngành, địa phương tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 78,58%, tại địa phương đạt 68,57%. Trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý hơn 2 triệu hồ sơ thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính, trong đó hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại các bộ, ngành đạt 9,64% (giảm 18,38% so với tháng 8; trung bình đạt 52,94%/tháng), các địa phương đạt 30,36% (tăng 2,89% so với tháng 8; trung bình đạt 21,99%/tháng). Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, như: Bộ Xây dựng và các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Long An, Bình Phước, Nghệ An, An Giang,...

- Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả TTHC theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần. Việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử tại các bộ, ngành đạt 48,74% (tăng 26,33% so với tháng 8/2023), tại các địa phương đạt 44,86% (tăng 0,53% so với tháng 8/2023). Lũy kế từ đầu năm, các bộ, ngành đạt 24,48%, các địa phương đạt 38,94%.

3. Kết quả tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 3.438 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính; đã xem xét, xử lý 2.201 PAKN, đạt 64%, trong đó các bộ, ngành đã xử lý 694/1.006 PAKN, đạt 69% (tăng 38% so với tháng 8/2023), các địa phương đã xử lý 1.507/2.432 PAKN, đạt 62% (giảm 5% so với tháng 8/2023); có 07/17 bộ, ngành đã xem xét, xử lý 153 kiến nghị của các doanh nghiệp được giao tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ, nâng tổng số kiến nghị, đề xuất được xem xét, xử lý là 213 kiến nghị, đề xuất (chiếm 53%), trong đó có 09 bộ, ngành  đã hoàn thành việc xử lý các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, 04 bộ  chưa xem xét, xử lý kiến nghị, đề xuất nào.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Chất lượng quy định TTHC, QĐKD tại các dự thảo văn bản QPPL vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (trong tháng 9/2023, vẫn còn 109/137 TTHC, QĐKD tại các dự thảo VBQPPL, chiếm 80%, được cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định, sửa đổi, bổ sung). Các bộ, ngành chậm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm quy định, TTHC đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; kết quả rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ đạt thấp, nhất là chưa đề xuất phương án đơn giản hóa 59 TTHC nội bộ trọng tâm; việc thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC chưa đạt yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 100% các bộ, ngành và khoảng 30% các địa phương công bố, công khai TTHC chậm so với thời hạn quy định; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa còn thấp. Một số bộ còn chưa xem xét, xử lý kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp...

Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức; một số bộ phận cán bộ, công chức chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)