(Thanhhoa.dcs.vn): Nội dung kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT: 1. Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/01/2006; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD ngày 26/5/2009; Dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến 119 hộ dân với 430 nhân khẩu tại bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, gặp rất nhiều khó khăn như: Không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa; sản xuất bị ảnh hưởng, hạ tầng không được đầu tư. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình Chính phủ sớm phê duyệt các điều chỉnh, bố trí kinh phí để các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa sớm triển khai thực hiện Dự án nhằm ổn định đời sống Nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau: Dự án thuộc nhóm A, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/01/2006, Bộ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD ngày 26/5/2009. Dự án có nhiệm vụ cấp nước tưới 18.871 ha ven sông Hiếu; cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt 22 m3/s; phát điện 45 MW; cấp nước cho công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thuỷ sản; kết hợp giảm lũ cho hạ du; các hạng mục của dự án, gồm: Hồ chứa nước Bản Mồng 225 triệu m3; 26 trạm bơm hạ du sông Hiếu; các hệ thống kênh.

Dự án khởi công từ năm 2010. Năm 2012, thực hiện Chỉ thị số 1792/CTTTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thuộc dẫnh mục các công trình phải giãn, hoãn tiến độ (do năm 2011, 2012 trượt giá mạnh).

Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, sau 14 năm triển khai thực hiện đã có rất nhiều thay đổi về chế độ, chính sách, định mức, đơn giá và phát sinh thêm các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng (thuộc thẩm quyền Quốc hội), bổ sung trồng rừng thay thế… dẫn tới Tổng mức đầu tư toàn dự án (vốn NSNN) tăng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 5638/BC-BNN-XD ngày 24/8/2021, trong đó đề nghị Thủ tướng chính phủ cho phép điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tuy nhiên về thủ tục pháp lý gặp vướng mắc về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư do Dự án không thuộc đối tượng chuyển tiếp quy định tại Điều 106 Luật Đầu tư công 2014 và Điều 101 Luật Đầu tư công 2019.

Ngày 14/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 73/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về xử lý vướng mắc trong điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 2109/TTr-BNN-KH ngày 05/4/2023 đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 6041/BC-BKHĐT ngày 31/7/2023 về Báo cáo kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định và đã trình trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 5594/TTr-BNN-XD ngày 15/8/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó hồ sơ đã cập nhật diện tích phải thu hồi đất và kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 119 hộ tại Bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa tại văn bản số 11775/UBND-NN ngày 14/8/2023.

Sau khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư (dự kiến cuối tháng 10/2023) làm cơ sở bố trí kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư để di chuyển 119 hộ dân nêu trên. Tiến độ thực hiện Dự án: hoàn thành trước 31/12/2025.

  2. Cử tri huyện Nga Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão. Hiện nay việc thi công dự án Đập ngăn mặn sông Càn thuộc dự án KEXIM1 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư là rất chậm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Việc đầu tư, xử lý tuyến đê tả Sông Càn đoạn qua xã Nga Điền, tuyến đê có dòng chảy của nước thủy triều rất lớn, hiện tại trên tuyến đê đã có rất nhiều đoạn có nguy cơ mất an toàn cần được sớm đầu tư và khắc phục, đảm bảo giao thông đi lại và cuộc sống dân sinh.

Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:

(1) Đối với việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đập ngăn mặn sông Càn thuộc dự án KEXIM1:

Thời gian vừa qua, tiến độ thi công công trình Đập ngăn mặn sông Càn thuộc Dự án KEXIM1 còn chậm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trong khu vực như ý kiến phản ánh của cử tri huyện Nga Sơn. Trên cơ sở đề nghị của Chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý trung ương các dự án Thủy lợi), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thi công công trình Đập ngăn mặn sông Càn đến ngày 21/5/2024 tại văn bản số 4038/BNNXD ngày 20/6/2023; trong đó yêu cầu Chủ đầu tư tăng cường việc điều hành, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khẩn trương thực hiện đảm bảo chất lượng, hoàn thành theo đúng tiến độ được gia hạn.

Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thực hiện, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

(2) Đối với việc đầu tư, xử lý sự cố trên tuyến đê tả Càn xã Nga Điền, huyện Nga Sơn:

Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống sông lớn, hàng năm Bộ Nông nghiệp và PTNT đều đã quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn vốn trung hạn và duy tu bảo dưỡng đê điều để địa phương thực hiện củng cố, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng, xử lý cấp bách các sự cố đê điều (kinh phí đã bố trí trong 5 năm gần đây là 393 tỷ đồng). Tuy nhiên, do điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế nên mới chỉ ưu tiên đầu tư cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp I theo quy định tại Điều 22 Luật Đê điều và Thông tư số 68/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính (trong khi tuyến đê tả Càn, huyện Nga Sơn là tuyến đê cấp IV). Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của các đợt thiên tai lũ, bão hàng năm, Bộ đều báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố (từ năm 2017 đến năm 2022 đã hỗ trợ cho tỉnh 965 tỷ đồng); ngoài ra, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa còn được hỗ trợ 250 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp công trình đê, kè trên địa bàn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục bố trí kinh phí để nâng cấp hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự án Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng với biến đổi khí hậu (ADB10) và dự án Nâng cao năng lực ứng phó thiên tại vùng ven biển Việt Nam (WB10) với tổng kinh phí khoảng 980 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, tuyến đê tả Càn xã Nga Điền, huyện Nga Sơn đoạn từ K5+157 - K9+121 đã xảy ra sự cố sạt trượt mái đê, lún nứt mặt đê; việc đầu tư xử lý khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn chống lũ và giao thông đi lại của người dân như kiến nghị của cử tri là cần thiết. Ngày 31/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 12878/UBND-NN về việc chỉ đạo xử lý khẩn cấp sự cố nêu trên, trong đó giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí vốn để thực hiện. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương bố trí kinh phí và huy động nguồn lực để sớm triển khai xử lý sự cố, đảm bảo an toàn.

*Nội dung kiến nghị Bộ Giao thông vận tải:

(1) Cử tri huyện Thường Xuân đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước đồng bộ đường Hồ Chí Minh khu vực Trung tâm xã Luận Thành; xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh.

(2) Cử tri huyện Hoằng Hóa đề nghị Bộ Giao thông vận tải mở giải phân cách tại nút giao điểm với đường bộ Phú Giang thuộc xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa trên Quốc lộ 1A.

Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

(1) Về ý kiến của cử tri huyện Thường Xuân:

- Đối với việc xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước đoạn qua Trung tâm xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Km577+600-Km579+470 đường Hồ Chí Minh):

Về việc đầu tư xây dựng rãnh thoát nước: theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), đoạn Km577+600-Km579+470 đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng bổ sung rãnh thoát nước bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, hiện hệ thống thoát nước đã kết nối với các đoạn rãnh đã có trên tuyến để đảm bảo thoát nước tốt khu vực, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 4/2023.

Về việc đầu tư xây dựng vỉa hè: Theo quy định hiện hành, việc đầu tư xây dựng vỉa hè thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy hoạch phát triển đô thị, nguồn vốn bảo trì đường bộ không được sử dụng để đầu tư xây dựng vỉa hè. Bộ GTVT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có ý kiến với UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phương án đầu tư vỉa hè bằng nguồn ngân sách địa phương khi có điều kiện đáp ứng kiến nghị của cử tri huyện Thường Xuân đã nêu trên.

- Đối với xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh: Theo tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô, không bắt buộc phải xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên toàn tuyến. Đối với tuyến đường Hồ Chí Minh sau khi đầu tư xây dựng, qua thời gian khai thác, dọc hai bên tuyến đã hình thành một số khu dân cư, đô thị do vậy việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Để giải quyết kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư, khai thác và vận hành hệ thống điện chiếu sáng đối với các khu vực cần thiết trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh khi có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về chiếu sáng đô thị; trong đó việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư, bảo trì hệ thống điện chiếu sáng đô thị thuộc trách nhiệm của Chính quyền đô thị (khoản 5, Điều 2 Nghị định số 79/2009/NĐ-CP).

(2) Về ý kiến của cử tri huyện Hoằng Hóa đề nghị mở giải phân cách tại nút giao điểm với đường bộ Phú Giang thuộc xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa trên QL.1:

Vị trí cử tri đề nghị mở dải phân cách tại Km313+780/QL.1, ngày 24/12/2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã có văn bản về việc đề nghị mở giải phân cách giữa tại Km313+780/QL1. Sau khi kiểm tra hiện trường, ngày 10/01/2022, Khu Quản lý đường bộ II đã gửi văn bản trả lời UBND huyện Hoằng Hóa về việc không đủ điều kiện để mở giải phân cách tại Km313+780/QL1 theo quy định hiện hành về khoảng cách mở dải phân cánh để đảm bảo an toàn giao thông trên QL.1 (tại khu vực hiện đã có 02 điểm dải phân cách tại Km313+238 và Km313+893. Việc mở thêm 01 điểm ở giữa 02 điểm mở hiện có không đảm bảo an toàn theo quy định tại tiêu chuẩn thiết kế TCVN 4054:2005). Do vậy đề nghị sử dụng các điểm mở hiện có là phù hợp và đáp ứng an toàn trong lưu thông phương tiện qua khu vực trên QL.1.

*Nội dung kiến nghị Bộ Y tế: Cử tri huyện Nông Cống đề nghị xây dựng cơ chế chính sách hợp lý trong việc khám chữa bệnh giữa Bệnh viện công và Bệnh viện tư (từ năm 2014 đến nay, Đảng và Nhà nước có chính sách ưu tiên người nghèo đi khám chữa bệnh được tiền ăn, tiền đi đường, nhưng chỉ được điều trị ở Bệnh viện công, mà không được điều trị ở Bệnh viện tư) đây là mất công bằng giữa công và tư, gây khó khăn cho người bệnh.

Bộ Y tế trả lời như sau:

Các chính sách trong việc khám chữa bệnh đều được áp dụng cho cả Bệnh viện công và Bệnh viện tư mà không có phân biệt. Về chính sách hỗ trợ người nghèo, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 về việc khám chữa bệnh cho người nghèo. Sau khi có ý kiến của một số các địa phương, đơn vị và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Bộ Y tế đã tiếp tục nghiên cứu, chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước năm 2015, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do đó, từ ngày 01/01/2017 ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Như vậy, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo sẽ không thể duy trì là quỹ tài chính nhà nước, mà sẽ do các tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo là loại hình quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo là loại hình quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhằm hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại cho đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và hỗ trợ phần chi phí mà Quỹ Bảo hiểm y tế không thanh toán.

Từ các căn cứ nêu trên, để bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với một số đối tượng theo thẩm quyền (theo Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước). Mức hỗ trợ do tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ do ngân sách tỉnh tự bảo đảm.

*Nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng:

(1) Nghiên cứu, rà soát, sớm điều chỉnh hệ thống định mức xây dựng công trình giao thông phù hợp với điều kiện thực tế và nghiên cứu, sớm ban hành cước vận tải hàng hóa bằng ô tô, hướng dẫn áp dụng định mức công tác đào hót đất, đá sụt lở bằng tổ hợp máy đào, máy ủi trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên hệ thống đường bộ.

(2) Sớm có hướng dẫn về chỗ để xe ô tô giữa người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư với chủ đầu tư

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

(1) Về Hệ thống định mức xây dựng công trình giao thông

Việc rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đã được quy định tại Điều 22 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong việc rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng, định mức dự toán cho các công trình xây dựng đặc thù chuyên ngành giao thông (trong đó có định mức dự toán của các công tác xây dựng như kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa) đáp ứng các yêu cầu về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Định mức dự toán công tác đào hót đất, đá sụt với biện pháp thi công bằng thủ công, bằng máy ủi 110 CV (mã hiệu SF.11110; SF.11120) đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Phụ lục VI Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 để phục vụ lập dự toán xây dựng công trình. Trường hợp áp dụng định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành nêu trên chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và thực tế việc khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông trên hệ thống đường bộ thực hiện đào hót đất, đá sụt lở bằng tổ hợp máy đào, máy ủi (như kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa) phổ biến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức xác định, ban hành định mức dự toán cho các công tác đặc thù này và gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu về hệ thống định mức xây dựng theo quy định tại Điều 20, Điều 22 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

Định mức vận chuyển các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành tại Chương XII Phụ lục II Thông tư số 12/2021/TT- BXD làm cơ sở xác định chi phí vận chuyển vật liệu và cấu kiện xây dựng đến công trình. Việc tổ chức xác định, công bố cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô như kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa thực hiện theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.

(2) Về Quy định về chỗ để xe ô tô tại các chung cư

Tại điểm b khoản 1 Điều 101 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định về chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư như sau: "Đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuế; trưởng hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này. Việc bố trí chỗ để xe ô tô của khu nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước sau đó mới dành chỗ để xe công cộng".

Tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 02/2026/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định: "Trường hợp nhà chung cư có đủ chỗ để xe ô tô dành cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu mua hoặc thuê chỗ để xe này thì chủ đầu tư phải giải quyết bán hoặc cho thuê chỗ để xe này nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi chủ sở hữu căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư không được mua, thuê vượt quá số lượng chỗ để xe được thiết kế, xây dựng theo dự án được duyệt dành cho một căn hộ hoặc một phần diện tích thuộc sở hữu riêng trong nhà chung cư. Trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để xe ô tô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thỏa thuận của những người mua căn hộ với nhau; trường hợp những người mua căn hộ không thỏa thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm để được mua, thuê chỗ để xe này; Việc mua bán, cho thuê chỗ để xe ô tô này có thể ghi chung trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc lập một hợp đồng riêng".

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định: Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ và bàn giao hồ sơ sao y từ bản chính cho Ban quản trị, trong đó bao gồm bản vẽ mặt bằng khu vực để xe do chủ đầu tư lập trên cơ sở hồ sơ dự án và thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phân định rõ khu vực để xe cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư (bao gồm chỗ để xe thuộc sở hữu chung, chỗ để xe ô tô) và khu vực để xe công cộng.

Như vậy, hiện nay liên quan đến chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Hiện nay, Chính phủ tiếp tục đề xuất quy định về chỗ để xe chung cư vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng luật hóa các quy định trong Thông tư số 02/2016/TT-BXD để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, nhằm hạn chế các tranh chấp liên quan đến chỗ để xe ô tô giữa các chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)