(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018; Kết luận số 48- KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ; Công điện số 557/CĐ-TTg ngày 18/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tập trung tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 130-KH/TU ngày 31/3/2023 về thực hiện Kết luận số 48- KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 16/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; Quyết định số 2639-QĐ/TU ngày 16/6/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Chỉ đạo hoàn thành việc rà soát thực trạng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố đặc thù của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hoàn thành xây dựng phương án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương (đối với việc tổng hợp, xây dựng phương án tổng thể của tỉnh đến nay đã hoàn thành, Ban Chỉ đạo tỉnh đã nghe báo cáo 03 lần và đã giao cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn chỉnh, để tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Nội vụ trong tháng 10/2023).
*Những công việc đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, gồm:
(1) Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó yêu cầu phải có sự tính toán khoa học, đánh giá toàn diện nhằm đảm bảo tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2019 - 2021; bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023 - 2025 với giai đoạn 2026 - 2030, tránh trường hợp khi xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính trong cả giai đoạn 2023 - 2030 sẽ gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các đơn vị hành chính khác liền kề.
(2) Xác định lộ trình, các công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải thực hiện trong từng năm của giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau: (i) Hoàn chỉnh Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025, báo cáo Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền Trung ương thẩm định, cho ý kiến. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2023. (ii) Xây dựng Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2023 - tháng 12/2023. (iii) Tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong tháng 01/2024. (iv) HĐND cấp xã, cấp huyện thuộc phạm vi sắp xếp đơn vị hành chính thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong tháng 02/2024; (v) Thẩm định, tổng hợp, hoàn thiện Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất; trình HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong tháng 03 - tháng 04/2024; (vi) Hoàn chỉnh hồ sơ, đề án báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thực hiện từ tháng 04 - tháng 09/2024; (vii) Triển khai, tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Thời gian thực hiện theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (viii) Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Thời gian thực hiện tại thời điểm được quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính; (ix) Tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
*Về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025
- Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp:
Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện: 02 đơn vị, gồm: Thị xã Bỉm Sơn (diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn); huyện Đông Sơn (diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn).
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 (đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn hoặc đơn vị có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn): 145 xã, phường thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố; gồm: (1) Thành phố Thanh Hóa: 09 đơn vị; (2) Thành phố Sầm Sơn: 03 đơn vị; (3) Thị xã Nghi Sơn: 01 đơn vị; (4) Huyện Nga Sơn: 14 đơn vị; (5) Huyện Hà Trung: 05 đơn vị; (6) Huyện Hậu Lộc: 12 đơn vị; (7) Huyện Hoằng Hóa: 26 đơn vị; (8) Huyện Quảng Xương: 08 đơn vị; (9) Huyện Nông Cống: 10 đơn vị; (10) Huyện Đông Sơn: 09 đơn vị; (11) Huyện Thiệu Hóa: 10 đơn vị; (12) Huyện Yên Định: 06 đơn vị; (13) Huyện Vĩnh Lộc: 03 đơn vị; (14) Huyện Triệu Sơn: 13 đơn vị; (15) Huyện Thọ Xuân: 11 đơn vị; (16) Huyện Thạch Thành: 03 đơn vị; (17) Huyện Thường Xuân: 02 đơn vị; (18) 10 huyện, thị xã không có đơn vị hành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025: Thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân.
- Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên đề xuất không thực hiện sắp xếp:
Cấp huyện: 01 đơn vị (thị xã Bỉm Sơn).
Cấp xã: 128/145 đơn vị, gồm: Thành phố Thanh Hóa: 08 đơn vị, thành phố Sầm Sơn: 01 đơn vị; thị xã Nghi Sơn: 01 đơn vị; các huyện: Nga Sơn: 12 đơn vị, Hà Trung: 03 đơn vị, Hậu Lộc: 10 đơn vị, Hoằng Hóa: 24 đơn vị, Quảng Xương: 08 đơn vị, Nông Cống: 10 đơn vị, Đông Sơn: 09 đơn vị, Thiệu Hóa: 10 đơn vị, Yên Định: 05 đơn vị, Vĩnh Lộc: 03 đơn vị, Triệu Sơn: 09 đơn vị, Thọ Xuân: 11 đơn vị, Thạch Thành: 02 đơn vị, Thường Xuân: 02 đơn vị.
- Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025:
Đơn vị hành chính cấp huyện khuyến khích sắp xếp: Không.
Đơn vị hành chính cấp xã khuyến khích sắp xếp có 03 đơn vị, gồm: Thị trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Phú thuộc huyện Thiệu Hóa (đã thực hiện trình tự, hồ sơ, đề án báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ); đề nghị giải thể xã Hải Yến thuộc thị xã Nghi Sơn.
- Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dự kiến giảm sau khi sắp xếp:
Đơn vị hành chính cấp huyện: Giảm 01 đơn vị, còn 22 huyện, 02 thị xã, 02 thành phố.
Đơn vị hành chính cấp xã: Giảm 12 đơn vị, còn 547 đơn vị, gồm: 458 xã, 59 phường, 30 thị trấn (chưa bao gồm kết quả thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa và thành lập 07 phường thuộc thành phố Thanh Hóa).
- Đánh giá chất lượng các đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp:
Đối với đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Thanh Hóa (sau khi nhập huyện Đông Sơn) đảm bảo tiêu đạt tiêu chí đô thị loại I (hiện nay đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá, xây dựng Đề án phân loại đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I và sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền công nhận trong thời gian tới).
Đối với đơn vị hành chính cấp xã: Không có.
*Những khó khăn, vướng mắc: Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, đó là:
Do số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giảm nhiều (76 đơn vị), đến nay, tại các đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp vẫn còn 367 công chức dôi dư trong tổng số 741 công chức dôi dư của toàn tỉnh; tuy nhiên, đa số công chức cấp xã hiện nay đều còn trẻ, cơ bản có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, đảm bảo phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn; nên sắp xếp, giải quyết dôi dư đối với số còn lại gặp rất nhiều khó khăn; mặt khác đối với số công chức dôi dư hiện nay, ngân sách tỉnh đang phải cân đối 70 tỷ đồng/năm để chi trả lương và phụ cấp cho các trường hợp này.
Các công sở, nhà đất dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính chưa có phương án xử lý dứt điểm, hiệu quả; nhiều tài sản đã không sử dụng trong thời gian dài, bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế; việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của nhà nước. Qua tổng hợp, hiện nay còn 47 trụ sở làm việc, 43 trạm y tế, 04 trường học, 09 điểm lẻ, 820 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố dôi dư, chưa được bố trí, sử dụng hoặc chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng.
Chất lượng đơn vị hành chính đô thị (cấp xã) sau khi sắp xếp đến nay vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của loại đô thị theo quy định; nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị còn hạn chế; công tác lập, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch còn chậm.
Một số phương án sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 chưa thật sự khoa học, hợp lý, phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền cơ sở, khó khăn trong sinh hoạt, giao dịch hành chính, học tập, khám chữa bệnh của Nhân dân; nhiều đơn vị sau khi nhập lại bị chia cắt bởi tuyến đường giao thông lớn, sông suối, đồi núi, khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.
*Đề xuất, kiến nghị: UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương một số nội dung như sau:
(1) Về đề xuất, kiến nghị việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư:
Trong giai đoạn 2023 - 2030, ở một số địa phương, dư địa số lượng để bố trí công chức dôi dư không còn nên khó đảm bảo bố trí đúng số lượng đến năm 2025; vì vậy, đề nghị cho phép kéo dài thời gian bố trí, sắp xếp số lượng công chức dôi dư đến sau năm 2025 cho đến khi bằng hoặc thấp hơn theo quy định.
Hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí nhằm xác định trường hợp, đối tượng dôi dư; ngoài các chính sách hỗ trợ thống nhất chung theo quy định, đề nghị có cơ chế cho phép các địa phương, nhất là ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện ngân sách và nguồn kinh phí hợp pháp được phép hỗ trợ thêm cho các trường hợp dôi dư khi thôi việc, vì theo quy định hiện hành thì cấp huyện, cấp xã không được ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức.
(2) Về đề xuất, kiến nghị việc xử lý tài sản công: Các Bộ, ngành Trung ương cần hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản là nhà, trụ sở, công trình trên đất công sở, tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư.
(3) Về nội dung khác liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030: Tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính: Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vấn đề cần được xem xét, hướng dẫn để phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
- Giai đoạn từ năm 1945 - 1954, do đất nước có chiến tranh, nhiều địa phương thực hiện tiêu thổ kháng chiến, chính quyền địa phương thời điểm này chưa được tổ chức đầy đủ, quản lý về địa giới hành chính gặp rất nhiều khó khăn, việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính là do yêu cầu của lịch sử nên việc xác định đơn vị có địa giới hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 gặp rất nhiều khó khăn; do đó, đề xuất Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền nên áp dụng quy định này đối với đơn vị có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1954 (thay cho năm 1945) đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh.
- Đối với các phường: Đây là những đơn vị hành chính có vị trí trung tâm, vai trò rất quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đối với các thành phố và thị xã của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đây là đơn vị hành chính mới được quy định tại Hiến pháp năm 1980 và thực tế là các phường thuộc tỉnh Thanh Hóa chỉ có từ năm 1981 đến nay; do đó, việc áp dụng quy định có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào là sẽ rất khó khăn cho địa phương trong việc xác định yếu tố đặc thù nêu trên.