(Thanhhoa.dcs.vn): Nội dung kiến nghị Bộ Tài chính: Đề nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cụ thể quy định về quản lý và sử dụng đối với các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên theo Điều 1, Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính trả lời như sau: Ngày 20/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; trong đó tại khoản 2 Điều 10 quy định:
“Điều 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 như sau:
“1. Hướng dẫn việc quyết toán vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (trong đó: có nội dung về sử dụng đối với các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên) thay thế Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.
*Nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng: Cử tri đề nghị trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 theo hướng ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 điểm dân cư nông thôn nhỏ lẻ.
Bộ Xây dựng trả lời như sau: Về vấn đề này, Bộ Xây dựng hiện đang là cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 7 và thông qua tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XV. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Thanh Hóa nêu trên để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật trong thời gian tới.
*Nội dung kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao: Đề nghị quy định trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp trong việc phối hợp thực hiện quy định của Luật Tố tụng hành chính sửa đổi năm 2015, về việc nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ và cử người tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án, để khắc phục tình trạng án hành chính, dân sự tồn đọng kéo dài gây bức xúc cho người dân.
Tòa án nhân dân tối cao trả lời như sau: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc cử người đại diện tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính; trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Tại Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “chấp hành nghiệm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tổ tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đổi thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân".
Như vậy, vấn đề trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc cử người đại diện tham gia tố tụng, cung cấp tài liệu, chứng cứ đã được Luật tổ tụng hành chính năm 2015 quy định và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 1203/BC-ĐGS ngày 29-9-2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân” và báo cáo của Tòa án các địa phương, thì tình trạng Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân vắng mặt tại các phiên đối thoại, phiên tòa và chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án vẫn còn khá phổ biến.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, chấn chỉnh. Tòa án nhân dân Tối cao cũng mong nhận được sự phối hợp của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội thông qua công tác giám sát việc chấp hành pháp luật, để Tòa án các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.