(Thanhhoa.dcs.vn): Vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 6463/BNV-TCPCP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hành lập Hội Người cao tuổi ở địa phương nơi có đủ điều kiện.

Theo Công văn, căn cứ chủ trương của Ban Bí thư tại Kết luận số 58-KL/TW ngày 23/6/2023 về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam và Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam Trần Hồng Hà (tại Công văn số 8649/VPCP-KGVX ngày 03/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo nghiên cứu xử lý các đề nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam), Bộ Nội vụ thống nhất với Hội Người cao tuổi Việt Nam và cơ quan liên quan có ý kiến về việc thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện như sau:

Căn cứ Điều 20 Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam phê duyệt kèm theo Quyết định số 288/QĐ-BNV ngày 06/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nôi vụ quy định về Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng Tờ trình báo cáo xin chủ trương Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (sau đây gọi tắt cấp thẩm quyền) về việc thành lập Hội người cao tuổi tỉnh, huyện ở nơi có đủ điều kiện.

Sau khi có chủ trương đồng ý thành lập Hội của cấp thẩm quyền, Ban Đại diện tỉnh, huyện thực hiện nhiệm vụ của Ban vận động (sau đây gọi tắt là Ban Đại diện) hoàn thiện hồ sơ thành lập Hội báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND huyện (nếu được ủy quyền) xem xét thành lập Hội theo thẩm quyền; đồng thời đề xuất phương án chuyển giao quyền và nghĩa vụ, tài sản, tài chính, người làm việc, biên chế (nếu có) của Ban Đại diện sang cho Hội khi được thành lập; Ban Đại diện chấm dứt hoạt động theo quy định sau khi hoàn thành việc chuyển giao.

Căn cứ Quyết định thành lập Hội, Ban Đại diện phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị Đại hội, báo cáo cấp thẩm quyền; tổ chức Đại hội để bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra; thông qua Nghị quyết thống nhất sử dụng Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam được Bộ Nội vụ phê duyệt và các nội dung khác của Đại hội.

Đối với 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện (trong đó có tỉnh Thanh Hóa): trường hợp đã có Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện theo quy định thì tiếp tục hoạt động. Trường hợp, chưa có Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện, thực hiện việc thành lập hội theo Công văn số 6463/BNV-TCPCP.

Bộ Nội vụ yêu cầu Hội Người cao tuổi Việt Nam có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn Ban Đại diện báo cáo xin chủ trương và thành lập Hội theo quy định và Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh, huyện theo thẩm quyền và chủ trương của Ban Bí thư tại Kết luận số 58-KL/TW, Quyết định số 118-QĐ/TW, điều kiện thực tế tại địa phương; chỉ đạo phân công Sở, ngành tham gia phối hợp tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thực hiện Quyết định số 118-QĐ/TW về chỉ đạo, cụ thể hoá, sắp xếp giao nhiệm vụ cho hội quần chúng phù hợp với điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ của ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết…

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)