(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2023, các cấp, các ngành, ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đạt kết quả quan trọng, nổi bật là:

(1) Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Cuộc vận động; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện; phối hợp với chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương, đơn vị; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa đến với người tiêu dùng.

(2) Về công tác thông tin, truyền thông: Các cơ quan báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động; giới thiệu quảng bá chất lượng, tính ưu việt của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong tỉnh, trong nước. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đã lồng ghép đưa trên 50 chuyên mục phát thanh và gần 60 chuyên mục truyền hình tuyên truyền về nội dung Cuộc vận động như: Chuyên mục phát triển kinh tế, Doanh nghiệp - Doanh nhân, Nông nghiệp - Nông thôn, Nói không với thực phẩm bẩn… Báo Thanh Hóa đã đưa các tin, bài phản ánh được dư luận đánh giá cao như: Kết nối để quảng bá hàng Việt; Đảm bảo cung ứng hàng hóa, góp phần ổn định thị trường; Cơ hội cho hàng Việt; Đưa hàng Việt đến người Việt; Truyền thông “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”… Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức 16 hội nghị truyền thông về Cuộc vận động gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát hành 50 bản tin công thương hàng tuần và 12 bản tin công thương hàng tháng; xây dựng 01 video và 05 bản tin phát trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã nhằm thông tin rộng rãi trong Nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

(3) Về hoạt động quảng bá hàng hóa, dịch vụ: Các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh và tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Hậu Giang… để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh; đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 với quy mô 200 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; trong đó, có trên 300 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực hiện lồng ghép quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại tại các tỉnh, thành phố như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; các hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa; các hoạt động nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa…    

(4) Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường: Đã thực hiện hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử, đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện trong tỉnh lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 850.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thí điểm xây dựng 06 mô hình Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh đã chủ động tổ chức đưa hàng về nông thôn như Công ty TNHH Lam Sơn, Công ty TNHH Thương mại Long Anh, Công ty TNHH Sơn Vũ; đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các địa phương trong tỉnh, tăng cường các phương tiện vận tải, đảm bảo khả năng vận chuyển hàng hóa đến tất cả các vùng, miền trong tỉnh, chủ yếu là hàng Việt Nam. Hệ thống các siêu thị như The City, Winmart+… đang từng bước mở rộng địa bàn hoạt động về các huyện trong tỉnh, tạo nhiều cơ hội cho người dân được mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước được thuận lợi.

(5) Về công tác kiểm tra, giám sát: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 27 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 243 vụ, xử lý 234 vụ, phạt vi phạm hành chính 676 triệu đồng, trị giá hàng tiêu huỷ gần 50 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường đã tổ chức 279 cuộc kiểm tra định kỳ, xử lý 64 vụ, phạt tiền 166,8 triệu đồng; xử lý 232 vụ vi phạm hành chính (về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xử và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), phạt tiền 2,37 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 2,14 tỷ đồng.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)