(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-­2025 trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-SGTVT ngày 10/7/2022 về chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa năm 2022; Kế hoạch số 73/KH-SGTVT ngày 24/11/2022 về chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa năm 2023; Kế hoạch số 22/KH-SGTVT ngày 20/2/2023 về thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Tăng cường tuyên truyền, phố biến, quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong triển khai thực hiện phát triển kinh tế số và xã hội số. Phổ biến kiến thức chung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Giao thông vận tải về xây dựng lộ trình và thực hiện chuyển đổi sang kinh tế số; giới thiệu và chia sẻ các bài học thành công của doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi qua kinh tế số trên thế giới và ở Việt Nam; xem xét mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp được xem xét tính điểm năng lực của các nhà thầu khi tham gia thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tập trung rà soát hệ thống thông tin, trang thiết bị cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo hoạt động ổn định. Từng bước tổ chức triển khai số hoá cơ sở dữ liệu ngành Giao thông vận tải theo từng lĩnh vực, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, theo quy định của pháp luật về lưu trữ điện tử. Chuẩn hoá hồ sơ lưu trữ điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản (TDoffice) và các hệ thống thông tin phục vụ phát triển Chính quyền điện tử.

Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ phục vụ nhu cầu di chuyển của khách hàng để giảm dần số lượng sở hữu các phương tiện cá nhân, từ đó giảm áp lực cho hạ tầng cho giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội và bảo vệ môi trường. Từng bước tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách để cho phép sử dụng tài khoản thu phí điện tử của phương tiện vào thanh toán tiền xử phạt vi phạm giao thông và các phí dịch vụ khác; quy hoạch xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối các kho bãi, bến cảng, đơn vị vận tải, phương tiện chuyên chở, người vận chuyển để hướng tới giảm giá thành chi phí logistics trên cơ sở số hóa thông tin và vận hành theo mô hình kinh tế số; phát triển các nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và tìm các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển thương mại điện tử; Sở Giao thông vận tải đã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành, các đơn vị kinh doanh vận tải đẩy mạnh việc thực hiện giao dịch thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QRcode... và sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, các đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã từng bước sử dụng vé điện tử, hóa đơn điện tử theo hướng dẫn của ngành thuế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi mua vé.

Các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được quan tâm. Thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu và duy trì hoạt động các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu của đơn vị như: Trang thông tin điện tử; Phần mềm quản lý hồ sơ công việc; Phần mềm Giám sát hành trình; Phần mềm Quản lý tàu sông; Phần mềm đăng kiểm tàu sông; Phần mềm Quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; Phần mềm hệ thống Govone bảo trì đường bộ; Phần mềm quản lý cầu trung ương và địa phương; Phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông. Phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục đường bộ Việt Nam để triển khai sử dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; tạo dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh Thanh Hoá)