(Thanhhoa.dcs.vn): Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Công điện số 55/CĐ-BGTVT ngày 14/11/2023 gửi các chủ đầu tư và Ban quản lý dự án về tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Theo đó, trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường (VSMT) trong thi công xây dựng các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tuy nhiên thời gian qua, tại một số dự án, công trình vẫn còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng công trình, để xẩy ra các vụ tai nạn lao động làm hư hỏng một số hạng mục công trình, gây thương vong cho người lao động trên công trường.

Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo ATLĐ, ATGT và VSMT trong thi công xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị thi công và nhân dân khu vực dự án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý đảm bảo chất lượng công trình. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 04/CT-BGTVT ngày 22 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm soát chất lượng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, trong đó tập trung lưu ý thực hiện nghiêm một số nội dung:

- Kiểm tra, chấp thuận, phê duyệt các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình.

- Kiểm tra và giám sát chặt chẽ: chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị đưa vào công trình; biện pháp thi công, chất lượng thi công và công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.

- Kiểm tra, chấp thuận kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật, đặc biệt đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng phải được kiểm định kỹ thuật an toàn.

- Kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, đặc biệt đảm bảo chất lượng xây dựng công trình; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình theo quy định của hợp đồng.

Tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 01/CT-BGTVT ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông vận tải và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xây dựng công trình, trong đó tập trung lưu ý thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

- Bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý công tác đảm bảo ATGT, ATLĐ và VSMT trong thi công xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, chấp thuận biện pháp đảm bảo ATGT, ATLĐ, VSMT và chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận.

- Chỉ đạo tư vấn giám sát tăng cường công tác kiểm tra hệ thống quản lý, kiểm soát của nhà thầu thi công về công tác ATGT, ATLĐ và VSMT, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai tại hiện trường của nhà thầu thi công về: Bố trí các phương tiện, dụng cụ, thiết bị thi công, phương pháp thi công… phù hợp với biện pháp thi công được chấp thuận; biện pháp đảm bảo an toàn lao động (biện pháp phòng hộ, dụng cụ bảo hộ lao động, chế độ, thời gian làm việc…); biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (bố trí lực lượng cảnh giới, hướng dẫn, các biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu cảnh giới…) và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo đúng biện pháp thi công đã được chấp thuận và theo quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Yêu cầu các nhà thầu thi công tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chủ đầu tư/Ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT và pháp luật đối với dự án được giao quản lý không đáp ứng chất lượng theo yêu cầu; chậm trễ trong việc xử lý vi phạm về chất lượng công trình và công tác đảm bảo ATLĐ, ATGT và VSMT.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)