(Thanhhoa.dcs.vn): Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phát triển y tế biển, đảo; tạo sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội và các thành viên (ngư dân) hoạt động trên biển, thực hiện mục tiêu bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn; vừa qua, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Kế hoạch số 233-KH-UBND để thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo trên địa bàn.

Theo đó, mục tiêu chung để bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển huyện Hậu Lộc đến năm 2030.

Mục tiêu chủ yếu

- Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo.

- Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo.

- Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo.

- Đào tạo sau đại học về y học biển; đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho cán bộ y tế công tác tại khu vực biển, đảo.

- Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo, nâng cao nhận thức y tế cộng đồng, ý thức vệ sinh môi trường để có thể tự bảo vệ sức khỏe, tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

- Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

Các chỉ tiêu cụ thể

- Triển khai thực hiện bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo;

- Đào tạo, cập nhật kiến thức về Y học biển cho các cơ sở y tế huyện, xã ven biển có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển;

- Trung tâm y tế huyện có đủ năng lực giám sát tình tình dịch, khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo;

- Với các xã ven biển đạt 100% có Trạm y tế xã, trong đó 90% xã đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia y tế cho vùng biển, đảo; Bệnh viện đa khoa huyện triển khai một số kỹ thuật ngoại khoa tương đương Bệnh viện hạng 1I;

- Đầu tư mua sắm thuốc, vật tư y tế, cấp cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, để đạt được tỷ lệ 70% kế hoạch đến năm 2025 và đạt 100% kế hoạch đến năm 2030.

- Tỉ lệ xã có bác sĩ đạt 90% trở lên;

- Tỉ lệ xã đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đạt 90%;

- Tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 95% trở lên dân số tham gia BHYT.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Hậu Lộc đề ra 05 nhóm giải pháp chính như sau:

1. Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo: các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, các Ban, ngành đưa nội dung phát triển y tế biển đảo vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo; triển khai thực hiện bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho các xã vùng biển, đảo làm cơ sở cho các địa phương ven biển làm cơ sở đánh giá sự hoàn thành nhiệm vụ của ngành Y tế;

Nghiên cứu xây dựng, ban hành các phương án phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp trên biển, đảo, theo từng cấp độ, từng khu vực và tổ chức diễn tập; đào tạo sau đại học về y học biển; đào tạo cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho cán bộ y tế công tác tại khu vực biển, đảo;

Trung tâm Y tế huyện, các địa phương ven biển bố trí cán bộ chuyên trách về y tế biển, đảo, có chức năng quản lý nhà nước về y tế biển, đảo, làm đầu mối phối hợp để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên biển, đảo; xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc thù biển, đảo.

2. Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng: Bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện đủ năng lực chủ động giám sát tình tình dịch, khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng, chống dịch bệnh, tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo. Tổ chức các đội cơ động sẵn sàng di chuyển ra đảo triển khai phòng, chống dịch bệnh; đầu tư cho Trung tâm Y tế huyện đủ năng lực triển khai các hoạt động giám sát dịch, khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích cho người lao động;

Trung tâm Y tế huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức giám sát tình hình vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch chủ động trên địa bàn để có phướng án phòng, chống dịch bệnh từ xa; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, công tác vệ sinh an toàn lao động các ngành kinh tế biển; đánh giá tác động môi trường, dự báo ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải y tế; an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng, chống dịch trên vùng biển, đảo.

3. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh: Tùy theo điều kiện cụ thể của từng xã ven biển, có thể chỉ tổ chức tập trung lực lượng y tế vào Bệnh viện Đa khoa huyện, Trạm y tế xã và phát triển mô hình “Bác sỹ gia đình” tại các cụm dân cư. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu cho các xã ven biển, cho các lực lượng tham gia diễn tập, xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển, nhất là tại các Trạm y tế xã trọng điểm, Quân y, Đồn Biên phòng Đa Lộc, Quân Y Ban CHQS huyện; huy động các cơ sở y tế tư nhân, các tình nguyện viên Chữ thập đỏ tham gia diễn tập xử lý các tình huống cấp cứu khẩn cấp, hiệp đồng trong phòng, chống thiên tai bão lụt; khuyến khích phát triển y tế tư nhân chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng biển, đảo.

4. Tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu: Xây dựng các phương án y tế phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, tàu tìm kiếm cứu nạn của huyện và khu vực tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân từ trên biển về cơ sở y tế trên đảo hoặc đất liền;

5. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo:  Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông cho Trung tâm huyện để phục vụ cho truyền thông, giáo dục sức khỏe trên vùng biển, đảo; xây dựng mô hình, thông điệp truyền thông, giáo dục sức khỏe phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng các phóng sự và phát sóng các chương trình trên hệ thống phát thanh, truyền hình; sản xuất các tài liệu truyền thông, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho người dân làm việc và sinh sống trên vùng biển, đảo; tổ chức tập huấn, truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo; bảo đảm cho mọi người lao động trên biển, đảo biết và có thể kêu gọi sự trợ giúp về y tế khi cần thiết.

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)